Y học cổ kim đều khẳng định nước lạnh có hại cho cơ thể hơn nước ấm

Cảm giác uống nước lạnh sau khi đi bộ dưới trời nắng nóng thật mát mẻ và sảng khoái, nhưng điều đó có thật sự tốt cho sức khỏe? Sau đây là một vài phân tích về thói quen này từ góc độ khoa học hiện đại lẫn các nền y học cổ hàng ngàn năm qua ở Trung Quốc, Ấn Độ.

Sau một vài phút đi bộ dưới trời nóng và oi bức, một số người thường hay uống ngay một cốc nước lạnh, hoàn toàn vui sướng khi cảm nhận nước chảy xuống cổ họng, để lại một cảm giác mát lạnh khiến bạn tỉnh táo hẳn.

Tuy nhiên, uống nước lạnh nhìn chung có hại cho sức khỏe, và dù lý do hay lời giải thích của bạn là gì thì bạn cũng không nên tiếp tục thói quen uống nước lạnh khi trời nóng nữa, đó là lời khuyên chung của y học hiện đại lẫn các truyền thống y khoa cổ xưa.

Nước lạnh và việc tiêu hóa

Nước lạnh sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa là giả thiết đã được kiểm nghiệm trong nhiều nghiên cứu phân tích tổng hợp (tổng hợp nhiều nghiên cứu cùng chủ đề, là loại nghiên cứu y khoa có độ tin cậy cao nhất), theo website trường đại học Penn State (Mỹ).

Kết quả nghiên cứu của khoa học hiện đại cũng trùng khớp với quan điểm của các nền y học cổ xưa có truyền thống hàng ngàn năm qua. Người Trung Quốc, dân tộc có lịch sử vào loại lâu đời nhất thế giới, là những người đầu tiên khám phá và biết rằng uống nước lạnh có hại cho sức khỏe, đặc biệt là uống nước lạnh sau khi ăn.

Uống nước lạnh có hại cho quá trình tiêu hóa như thế nào?

Đầu tiên, nước ấm làm lỗ chân lông trên da nở ra, giúp da được thả lỏng, trong khi nước lạnh hoặc nước đá làm da khép chặt lại, lỗ chân lông bị đóng. Hiện tượng tương tự trên toàn bộ cơ thể cũng xảy ra khi chúng ta uống nước lạnh.

Các enzyme trong cơ thể làm việc tốt nhất ở nhiệt độ 37-42⁰C nên khi chúng ta vừa ăn vừa uống nước đá lạnh thì nhiệt độ bên trong cơ thể bị giảm, thành mạch máu bị thu hẹp, hệ tiêu hóa bị co lại. Cơ thể cần tiêu thụ nhiều năng lượng hơn để đưa nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường. Toàn bộ năng lượng dự tính để tiêu hóa thức ăn được dùng để làm nóng khối chất lỏng lạnh đó.

Thứ hai, nước lạnh hay nước giải khát lạnh sẽ làm cho chất béo mà chúng ta ăn vào bị đặc lại. Cơ thể cần thêm năng lượng để phá vỡ các chất béo, theo ScienceABC.

Kết quả là quá trình tiêu hóa diễn ra chậm hơn bình thường, làm bạn mau mệt. Ngoài ra, quá trình tiêu hóa khó khăn khiến cơ thể chúng ta không nhận được đủ lượng đạm và chất dinh dưỡng để vận hành tốt các cơ quan khác.


Uống nước lạnh trong khi ăn sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa. (Ảnh: Dreamstime.com)

Thứ ba, theo trang tin sức khỏe cho phụ nữ StyleCraze, uống nước lạnh hoặc nước đá phản lại các nguyên tắc của Ayurveda, nền y học cổ xưa có truyền thống 3.000-5.000 năm của Ấn Độ. Ayurveda xem con người là tập hợp của 5 yếu tố cơ bản: không gian, không khí, nước, lửa, đất.

Nước lạnh sẽ làm giảm sức mạnh của Lửa, dẫn tới các bệnh về tiêu hóa, tích tụ độc chất, nguồn gốc của nhiều bệnh tật khác. Uống nước đá lạnh sau bữa ăn cũng tạo ra nhiều chất nhầy trong cơ thể, khiến hệ miễn dịch của bạn yếu đi, và cơ thể bạn nhạy cảm hơn, dễ cảm lạnh hoặc cảm cúm. Ngoài ra, uống nước lạnh cũng gây mất nước trong một số trường hợp.

Vì các lý do trên, ScienceABC đưa ra lời khuyên tốt nhất là bạn nên uống nước ấm hoặc nước ở nhiệt độ phòng trong các bữa ăn.

Nước lạnh và tập thể dục

Quy tắc đầu tiên mà tất cả mọi người đã từng thực hiện một loại hình vận động nào đó đều biết là: không bao giờ bỏ qua việc làm nóng người. Chúng ta cần làm nóng người trước bất kỳ bài tập thể dục hay hoạt động thể chất nào đó để gia tăng lưu thông máu đến các cơ, đem lại sự linh hoạt và tiêu hao nhiều năng lượng hơn.

Tuy nhiên, điều gì xảy ra khi chúng ta bắt đầu tập thể dục? Cơ thể chúng ta bắt đầu nóng lên và đổ mồ hôi. Điều chúng ta cần tập trung ở đây là nhiệt độ bên trong cơ thể bắt đầu tăng lên.

Thông thường, mồ hôi sẽ giúp cơ thể bạn mát hơn. Do đó, khi chúng ta uống nước lạnh trong khi tập thể dục, cơ chế xuất mồ hôi của chúng ta sẽ chịu áp lực nhiều hơn, làm giảm mức độ cơ thể nóng lên để hạ nhiệt nên nhiệt độ cơ thể giảm đi.


Uống nước lạnh khi tập thể dục có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể. (Ảnh: Amazing Healthy Food).

Vậy có trường hợp nào cần uống nước lạnh khi tập thể dục không?

Theo trang tin nghiên cứu Motor Impairment, do hiện tượng Uhthoff, những người bị bệnh đa xơ thần kinh (multiple sclerosis-MS) không chịu được nóng, dễ mệt mỏi khi hoạt động thể chất hoặc ở trong môi trường nóng bức.

Theo báo cáo, việc làm mát cơ thể sẽ giúp họ kiểm soát hiện tượng Uhthoff tốt hơn. Các hiệp hội MS của Mỹ, Anh và Queensland (Úc) khuyến cáo người bị đa xơ thần kinh nên uống các loại nước lạnh khi hoạt động thể chất.

Tháng 4 năm nay, một nghiên cứu đối chứng về việc uống nước lạnh khi tập thể dục ở những người bị đa xơ thần kinh của các nhà khoa học đến từ khoa Khoa học Sức khỏe trường đại học Sydney đã được xuất bản trên thư viện quốc gia Mỹ (PUDMED), cơ sở dữ liệu y khoa trực tuyến hàng đầu thế giới.

Trong nghiên cứu này, các bệnh nhân MS nhạy cảm với nhiệt độ lần lượt được cho uống nước ấm (37°C ) và lạnh (1,5°C) trong các bài tập đạp xe cho phần thân dưới. Kết quả cho thấy, khi uống nước nóng, thời gian tập luyện của các bệnh nhân MS ngắn hơn nhóm đối chứng không bệnh đến gần 50%.

Khi uống nước lạnh thì các bệnh nhân tập được lâu hơn, tăng thêm 30% thời gian tập. Một điều nữa là uống nước lạnh cũng giúp nhóm bệnh nhân MS cải thiện sự dẻo dai, không làm cản trở sự gia tăng nhiệt độ ở trực tràng và da trong khi tập luyện.

Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cũng khuyến cáo rằng tiêu thụ thêm chất lỏng có thể không phải là giải pháp tối ưu cho những bệnh nhân gặp vấn đề về kiểm soát tiêu hóa và bài tiết nước tiểu.

Những tác động khác của nước lạnh

Theo một số nghiên cứu, việc uống nước lạnh cũng liên kết với chứng đau nửa đầu trầm trọng hơn ở những người đã trải qua tình trạng này. Ngoài ra, nước lạnh còn có tác động rõ ràng đến nhịp tim. Người ta cho là nước lạnh ảnh hưởng đến dây thần kinh phế vị (một trong 12 đôi dây thần kinh sọ chịu trách nhiệm về thở, tuần hoàn, tiêu hóa), làm cho tim đập chậm hơn.

Các chất lỏng lạnh cũng di chuyển khỏi dạ dày nhanh hơn, làm cho quá trình tái hydrat (cơ thể hấp thu thêm nước cho các chất lỏng và mô cơ thể để phục hồi lượng nước bị mất) diễn ra nhanh hơn.

Còn với nước ấm, chúng ta có khuynh hướng cảm thấy ít khát hơn nên uống ít hơn. Điều này đặc biệt quan trọng khi chúng ta mất đi một lượng lớn nước qua quá trình hô hấp và khi trời nóng. Nước lạnh cũng gia tăng sự chuyển hóa vì cơ thể cần tiêu hao năng lượng để bình ổn nhiệt độ bên trong. Điều tương tự cũng xảy ra nếu bạn uống nước nóng.

Tổng hợp các phân tích trên, có thể kết luận rằng, những lúc cơ thể dễ bị mất nước như khi trời nóng, chúng ta vẫn nên uống nước ấm gần với nhiệt độ cơ thể. Nước ấm giúp cơ thể giữ nước lâu hơn, làm cho quá trình tái hydrate chậm hơn nên cơ thể ít khát và bạn không cần uống nhiều nước.

Khi bạn uống nước lạnh, ban đầu cơ thể có cảm giác mát nhưng không giữ được nước lâu và phải tiêu tốn thêm năng lượng để ổn định nhiệt độ. Càng uống nhiều nước lạnh bao nhiêu thì bạn càng mệt và càng khát bấy nhiêu.


Khi trời nóng, nước ấm giúp cơ thể giữ nước lâu hơn, ít khát và không cần nhiều nước. (Ảnh: HuffPost).

Những lợi ích của việc uống nước ấm

Theo StyleCraze, nước ấm có nhiều lợi ích như:

  • Kích thích các enzyme tiêu hóa tự nhiên, tăng cường quá trình tiêu hóa
  • Làm sạch máu.
  • Tăng cường quá trình thải độc qua da và thận.
  • Ngăn chặn quá trình mất nước của cơ thể.


(Ảnh: meramuda)

  • Ngăn các chất béo mà bạn đã tiêu thụ bị đông lại trong máu, giúp phân rã thực phẩm dễ dàng.
  • Tăng cường việc thải chất bã ra khỏi ruột (đi vệ sinh). Uống nước chanh với nước ấm mỗi buổi sáng có thể đem lại hiệu quả cao hơn, giải quyết mọi vấn đề khó tiêu.

Một khi bạn bắt đầu uống nước ấm, bạn sẽ quen với điều này và sớm nhận ra khả năng tiêu hóa của bạn có sự cải thiện đáng kể.

Nước rất cần thiết vì 80% cơ thể chúng ta là nước. Vì vậy, uống nước với số lượng, nhiệt độ phù hợp, trong các quãng thời gian phù hợp sẽ hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường sức khỏe.

Và lần sau, khi bạn với lấy ly nước lạnh sau khi vừa dùng bữa, hãy nghĩ tới các chất dinh dưỡng và năng lượng mà bạn có thể mất.

Những cách thức dễ dàng nhất để duy trì một cơ thể khỏe mạnh là ăn thực phẩm tốt và ngủ ngon. Một sai lầm nhỏ cũng có thể phá hỏng quá trình tiêu hóa và gây bệnh cho bạn.


Uống nước ấm giúp bạn cải thiện đáng kể khả năng tiêu hóa. (Ảnh: New Woman India).

Tóm lại, nước ấm tốt cho cơ thể chúng ta hơn nước lạnh. Nước lạnh chỉ có lợi trong một vài trường hợp nhất định.

Do đó, trước khi uống nước dù là nước ở bất kỳ nhiệt độ nào, chúng ta nên lưu ý điều hòa lại nhiệt độ nước theo nhu cầu hiện tại của cơ thể để đạt kết quả tốt nhất cho sức khỏe. Và nếu bạn đang thường xuyên uống nước đá thì hãy bắt đầu chuyển sang uống nước ấm hoặc hơi ấm để phòng bệnh.

Cập nhật: 23/09/2018 Theo Soha
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video