1. CPU (Ví dụ mẫu: P4 2.8Ghz (511)/Socket 775/ Bus 533/ 1024K/ Prescott CPU1. CPU)
Socket 775, chỉ loại khe cắm của CPU. Đây là đặc tính để xét sự tương hợp giữa vi xử lý và mainboard (Bo mạch chủ - BMC). Bo mạch chủ phải hổ trợ loại socket này thì vi xử lý mới có thể hoạt động được.
Bus 533, chỉ tốc độ "lõi" của đường giao tiếp giữa VXL và BMC. Một vi xử lý được đánh giá nhanh hay chậm tuỳ thuộc khá lớn vào giá trị này. Vi xử lý chạy được bus 533 thì đương nhiên hơn hẳn so với vi xử lý chỉ chạy được bus 400 Mhz.
1024K, chỉ bộ nhớ đệm của vi xử lý. Đây là vùng chứa thông tin trước khi đưa vào cho vi xử lý trung tâm (CPU) thao tác. Thường thì tốc độ xử lý của CPU sẽ rất nhanh so với việc cung cấp thông tin cho nó xử lý, cho nên, không gian bộ nhớ đệm (cache) càng lớn càng tốt vì CPU sẽ lấy dữ liệu trực tiếp từ vùng này. Một số Vi xử lý còn làm bộ nhớ đệm nhiều cấp. Số 1024 mà bạn thấy đó chính là dung lượng bộ nhớ đệm cấp 2, 1024 KB = 1 MB.
Prescott chính là tên một dòng vi xử lý của Intel. Dòng vi xử lý này có khả năng xử lý video siêu việt nhất trong các dòng vi xử lý cùng công nghệ của Intel. Tuy nhiên, đây là dòng CPU tương đối nóng, tốc độ xung đồng hồ tối đa đạt 3.8 Ghz.
2. Mainboard (Ví dụ mẫu: ASUS Intel 915GV P5GL-MX, Socket 775/ s/p 3.8Ghz/ Bus 800/ Sound& Vga, Lan onboard/PCI Express 16X/ Dual 4DDR400/ 3 PCI/ 4 SATA/ 8 USB 2.0.):
Mainboard là một bản mạch đóng vai trò là trung gian giao tiếp giữa CPU và các thiết bị khác của máy tính.
ASUS Intel 915GV P5GL-MX, đơn giản, đây chỉ là tên của loại bo mạch chủ của hãng Asus.
s/p 3.8 Ghz đó chính là tốc độ xung đồng hồ tối đa của CPU mà bo mạch chủ hỗ trợ. Như đã nói ở trên, loại mainboard này hỗ trợ VXL Prescott nên tốc độ xung nhịp tối đa mà nó hỗ trợ là 3.8 Ghz.
PCI Express 16X là tên của loại khe cắm card màn hình mà bo mạch chủ. Khe PCI Express là loại khe cắm mới nhất, hỗ trợ tốc độ giao tiếp dữ liệu nhanh nhất hiện nay giữa bo mạch chủ và Card màn hình. Con số 16X thể hiện một cách tương đối băng thông giao tiếp qua khe cắm, so với AGP 8X, 4X mà bạn có thể thấy trên một số bo mạch chủ cũ. Tuy băng thông giao tiếp trên lý thuyết là gấp X lần, thế nhưng tốc độ hoạt động thực tế không phải như vậy mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như lượng RAM trên card, loại GPU (VXL trung tâm của card màn hình)
Bus 800, chỉ tần số hoạt động tối đa của đường giao tiếp dữ liệu của CPU mà bo mạch chủ hỗ trợ. Thường thì bus tốc độ cao sẽ hỗ trợ luôn các VXL chạy ở bus thấp hơn.
Sound& Vga, Lan onboard: bo mạch chủ này đã được tích hợp sẵn card âm thanh, card màn hình và card mạng phục vụ cho việc kết nối giữa các máy tính với nhau.
Dual 4DDR400: trên bo mạch chủ này có 4 khe cắm Bộ nhớ (RAM), hỗ trợ tốc độ giao tiếp 400 Mhz. Dựa vào thông số này, bạn có thể lựa chọn loại bộ nhớ (RAM) với tốc độ thích hợp để nâng cao tính đồng bộ và hiệu suất của máy tính. Chữ Dual là viết tắc của Dual Chanel, tức là bo mạch chủ hổ trợ chế độ chạy 2 thanh RAM song song. Với công nghệ này, có thể nâng cao hiệu suất và tốc độ chuyển dữ liệu của RAM.
3PCI, 4SATA, 8 USB 2.0: trên bo mạch chủ có 3 khe cắm PCI dành để lắp thêm các thiết bị giao tiếp với máy tính như card âm thanh, modem gắn trong v.v…. 4SATA là 4 khe cắm SATA, một loại chuẩn giao tiếp dành cho đĩa cứng. SATA thì nhanh hơn và ổn định hơn so với chuẩn IDE. Nếu bạn thấy bo mạch chủ có ghi dòng là ATA66, ATA100, ATA133 thì đó chính là dấu hiệu nhận biết bo mạch chủ có hổ trợ chuẩn đĩa cứng IDE. 8 cổng cắm USB 2.0 được hổ trợ trên bo mạch chủ. USB 2.0 thì nhanh hơn USB 1.1. USB 2.0 thì tương thích luôn với các thiết bị chỉ có USB 1.1
TRẦN HUY