Ấn Độ phóng tàu vũ trụ thăm dò Mặt Trăng 2

  •  
  • 374

Ấn Độ phóng tàu vũ trụ thăm dò Mặt Trăng 2 có tên Chandrayaan-2 từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota.

Trước đó, kế hoạch ban đầu cho việc phóng Chandrayaan-2 vào rạng sáng 15/7 đã bị hủy sát giờ phóng do sự cố kỹ thuật liên quan đến tầng nhiên liệu.

Tên lửa đẩy GSLV III Mark 1 mang theo tàu thăm dò Mặt trăng Chandrayaan-2 của Ấn Độ được đặt vào bệ phóng
Tên lửa đẩy GSLV III Mark 1 mang theo tàu thăm dò Mặt trăng Chandrayaan-2 của Ấn Độ được đặt vào bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở bang Andhra Pradesh, ngày 15/7/2019. (Ảnh: Gadgets/TTXVN).

Theo phóng viên tại Ấn Độ, dự kiến, tàu vũ trụ sẽ đáp thiết bị đổ bộ xuống gần vùng cực Nam chưa được khám phá của Mặt Trăng 48 ngày sau thời điểm phóng, thực hiện nhiệm vụ phân tích khoáng vật, lập bản đồ bề mặt và tìm kiếm nước trên hành tinh này.

Các thiết bị được Chandrayaan-2 đưa lên Mặt Trăng gồm 1 phi thuyền quỹ đạo, 1 thiết bị đổ bộ, 1 thiết bị tự hành. Hầu hết các linh kiện do Ấn Độ tự thiết kế chế tạo. Chi phí cho sứ mệnh ước tính vào khoảng 141 triệu USD.

Nếu thành công, sứ mệnh Mặt Trăng 2 sẽ có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước nhảy vọt trong lĩnh vực thăm dò không gian của Ấn Độ, đưa nước này trở thành quốc gia thứ 4 sau Mỹ, Nga và Trung Quốc thực hiện hạ cánh mềm và triển khai thiết bị tự hành trên bề mặt Mặt Trăng.

Phi thuyền hoạt động trên quỹ đạo sẽ có tuổi thọ khoảng 1 năm để phục vụ sứ mệnh, trong khi thiết bị tự hành sử dụng năng lượng Mặt Trời có thể di chuyển đến 500 m và dự kiến sẽ làm việc trong 14 ngày.

Ấn Độ đã phóng tàu vũ trụ Chandrayaan-1 bay quanh Mặt Trăng vào năm 2008. Tháng 11/2013, Ấn Độ phóng một vệ tinh bay quanh quỹ đạo sao Hỏa.

Sau sứ mệnh Mặt Trăng 2, Ấn Độ sẽ tiếp tục thực hiện chuyến bay không gian đầu tiên có người điều khiển vào năm 2022. Đến năm 2030, nước này sẽ phóng một trạm vũ trụ riêng. Đó sẽ là một trong những dự án tham vọng nhất mà New Delhi theo đuổi.

Cập nhật: 23/07/2019 Theo TTXVN/Báo Tin Tức
  • 374