Anh chế tạo tàu vũ trụ "đuổi theo" sao chổi

  •  
  • 203

Tàu vũ trụ mới dự kiến phóng lên quỹ đạo năm 2028, sau đó chờ mục tiêu thích hợp bay qua để tiếp cận và nghiên cứu.

Các kỹ sư Anh phát triển mẫu tàu mới nhằm đợi sao chổi bay qua, đuổi theo và lập bản đồ 3 chiều bề mặt của nó, Guardian hôm 14/12 đưa tin. Nhiệm vụ mang tên Comet Interceptor, còn gọi là "người theo đuổi sao chổi". Ngoài bề mặt sao chổi, nhiệm vụ mới cũng sẽ nghiên cứu thành phần của bụi và khí mà nó phun ra trong lúc di chuyển.

Ảnh chụp sao chổi Neowise tháng 3/2020.
Ảnh chụp sao chổi Neowise tháng 3/2020. (Ảnh: Alexander Ryumin/Tass).

Comet Interceptor gồm 3 tàu vũ trụ phối hợp hoạt động. Tàu mẹ do công ty Thales Alenia Space chế tạo tại Anh sẽ chở hai tàu thăm dò nhỏ hơn của Nhật Bản. Hai tàu này có thể được thả gần sao chổi để thực hiện những chuyến bay nghiên cứu sát bề mặt. Chúng sau đó sẽ gửi hình ảnh và dữ liệu khoa học về tàu mẹ.

Sao chổi là những khối cầu lạnh giá gồm khí, đá và bụi vũ trụ từ thời sơ khai của hệ Mặt Trời, khoảng 4,6 tỷ năm trước. Nhiều sao chổi được phát hiện khi chúng bay qua gần Mặt Trời, nóng lên, giải phóng khí bụi và tạo ra vệt đuôi dài.

Với Comet Interceptor, các nhà thiên văn hy vọng có thể bắt kịp sao chổi trước khi chúng giải phóng nhiều khí bụi như vậy. Điều này giúp bộ đôi tàu thăm dò lập bản đồ và phân tích lõi sao chổi nguyên sơ.

"Phần lớn sao chổi mà chúng ta quan sát đã đi qua Mặt Trời nhiều lần, đồng nghĩa chúng bị Mặt Trời biến đổi. Nhiệm vụ mới đưa một tàu vũ trụ lên quỹ đạo, giúp chúng ta có thể nghiên cứu một vật thể còn nguyên sơ, qua đó cung cấp thêm những thông tin mới mẻ về quá khứ của hệ Mặt Trời", Andrew Stanniland, CEO của Thales Alenia Space, cho biết.

Comet Interceptor dự định phóng lên không gian năm 2028. Con tàu sẽ lang thang tại Điểm Lagrange, nơi các lực hấp dẫn có xu hướng giữ cho vật thể đứng yên. Nhờ đó, con tàu có thể chờ đợi mục tiêu mà chỉ tốn rất ít nhiên liệu.

Comet Interceptor có khả năng phải đợi trên quỹ đạo vài năm trước khi các nhà thiên văn phát hiện mục tiêu phù hợp. Mục tiêu sẽ là một sao chổi từ Đám mây Oort - tập hợp các vật thể lạnh giá nằm ngoài sao Hải Vương, hoặc một vật thể du hành liên sao như 'Oumuamua. Thiên thể thon dài này ghé thăm Hệ Mặt trời năm 2017. Tuy nhiên, các nhà thiên văn khi đó không có tàu vũ trụ nào đủ khả năng bám theo nó để nghiên cứu.

Cập nhật: 15/12/2020 Theo VnExpress
  • 203