Ảo giác linh hồn giả mạo khiến con người thường xuyên gặp ma?

  •   4,52
  • 2.731

Một ngày bạn soi gương và thấy kẻ nào đó đang chiếm giữ thân xác mình. Có kẻ giả mạo hay bạn đang mắc hội chứng Capgras?

Trong bộ phim kinh dị lừng danh "Us", đạo diễn Peele đã xây dựng tình huống rợn tóc gáy mà gia đình Wilson gặp phải. Đó chính là bị bản sao của mình thay thế, giết hại. Điều đó chỉ xảy đến trong phim? Thực tế, từ năm 1923, các nhà khoa học đã tìm ra chứng bệnh khiến con người "nhìn thấy" kẻ giả mạo của mình.

Không nhận ra người thân vì cho rằng có kẻ giả mạo

Năm 2011, Psychiatric Times đưa tin về Mary (40 tuổi) với tình trạng tinh thần rối loạn, không thể tiếp tục chăm sóc con gái. Con gái của Mary, Sarah (9 tuổi), theo miêu tả của bà đã bị Trung tâm Bảo vệ Trẻ em giam giữ. Cô bé đang sinh sống với Mary thực chất là kẻ giả mạo cô con gái xấu số.

Suy nghĩ khiến Mary thường xuyên la hét khi Sarah đến gần, không chịu đón con. Bất chấp những trấn an và lời khẳng định từ phía gia đình, Mary vẫn gào lên trong đau đớn: "Đây không phải con gái tôi, xin hãy trả con bé về với tôi".

Những người mắc Capgras thường bị ảo tưởng về kẻ giả mạo
Những người mắc Capgras thường bị ảo tưởng về kẻ giả mạo. (Ảnh: Nautil).

Theo đánh giá ban đầu của các bác sĩ điều trị, Mary mắc hội chứng rối loạn ảo tưởng hay còn gọi là hội chứng Capgras. Đây không phải chứng bệnh hiếm gặp nhưng lại thường xuyên bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh lý tâm thần khác.

Trước Mary, từ năm 1923 nhà khoa học Joseph Capgras và cộng sự Reboul-Lachaux đã ghi chép lại trường hợp tương tự. Một người phụ nữ tại Paris được miêu tả có các biểu hiện kỳ quái như cho rằng chồng và con đã bị bắt cóc, những người thân đang sống trong nhà thực chất là kẻ giả mạo.

Người phụ nữ này liên tục khẳng định mình gặp phải ma và tìm mọi cách để chứng minh người đàn ông đó không phải chồng của mình. Cô kiên quyết ly hôn người chồng "ma" và bỏ thời gian để đi tìm người thân thật.

Năm 1991, biểu hiện này cũng được bắt gặp với một người phụ nữ 74 tuổi khi bà khẳng định người đàn ông ngủ cùng giường hàng đêm là "kẻ giả mạo". Điều kỳ lạ, ngoại trừ chồng, người phụ nữ này đều nhận ra tất cả các thành viên còn lại.

Trong một số ghi nhận, nhiều bệnh nhân còn không nhận ra chính bản thân mình khi nhìn vào gương. Năm 2015, một ông cụ người Pháp "phát hoảng" khi thấy kẻ lạ mặt giống hệt ngoại hình đến hình dáng mình trong gương.

Giải mã hội chứng bí ẩn

Theo NCBI, ảo tưởng Capgras là một rối loạn tâm thần khiến bệnh nhân luôn sống trong suy nghĩ người thân bị đánh tráo bằng một kẻ giả mạo với ngoại hình và cử chỉ giống hệt "bản gốc". Hội chứng được đặt theo tên của Joseph Capgras - người đầu tiên phát hiện và nghiên cứu về nó.

Nguyên nhân của Capgras là do những chấn thương tâm lý và thần kinh.
Nguyên nhân của Capgras là do những chấn thương tâm lý và thần kinh. (Ảnh: Nautil).

Những người mắc Capgras thường bị bao trùm bởi một lớp niềm tin ảo tưởng liên quan đến xác định danh tính, đặc điểm của thân nhân, đôi khi là chính bản thân mình. Capgras thường bị chẩn đoán nhầm sang bệnh tâm thần phân liệt, mất trí nhớ tạm thời hoặc chấn thương não.

Hội chứng Capgras thường liên quan nhất đến bệnh Alzheimer hoặc chứng mất trí. Cả hai chứng bệnh này đều ảnh hưởng đến trí nhớ và có thể thay đổi cảm giác thực tế của người mắc với thế giới xung quanh. Chấn thương não cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh.

Cách điều trị

Theo Healthline, cho đến nay, phương pháp điều trị Capgras vẫn còn là một ẩn số. Các nghiên cứu mới chỉ đưa ra cách làm giảm các triệu chứng.

Những phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Sử dụng thuốc ức chế cholinesterase, giúp tăng cường dẫn truyền thần kinh liên quan đến trí nhớ và phán đoán, đối với chứng mất trí và bệnh Alzheimer.
  • Sử dụng thuốc chống loạn thần và trị liệu cho người bị tâm thần phân liệt.
  • Phẫu thuật khi người bệnh gặp các tổn thương não hoặc chấn thương đầu.

Dù vậy, phương pháp điều trị hiệu quả nhất là tạo ra một môi trường tích cực, tạo dựng cảm giác an toàn cho người bệnh.

Cập nhật: 20/07/2019 Theo Zing
  • 4,52
  • 2.731