Các nhà khoa học khẳng định quá trình tiến hóa của nhân loại chưa dừng lại vì gene của chúng ta đang phản ứng với những thay đổi từ môi trường bên ngoài.
Trên thực tế, một số nhà nhân chủng học cho rằng, áp lực của cuộc sống công nghiệp hiện đại đang đẩy nhanh tốc độ tiến hóa của loài người. Nhận định này mâu thuẫn với quan điểm phổ biến trong thế kỷ 20, theo đó những tiến bộ trong y học, dược phẩm và nhiều lĩnh vực khác khiến quá trình tiến hóa của loài người chững lại.
“Ngày nay, nhiều nhà nhân chủng học đồng ý rằng sự tiến hóa của loài người là một quá trình liên tục”, Robert Wald Sussman, một chuyên gia nhân chủng học của Đại học Washington (Mỹ), nói. Theo ông, rất có thể các gene của chúng ta đang biến đổi nhanh tới mức một ngày nào đó trái đất sẽ chứng kiến sự hiện diện của một loài người hoàn toàn mới. Loài này sẽ không thể giao phối với chúng ta.
Quá trình tiến hóa của loài người được thảo luận sôi nổi trong cuộc hội thảo hàng năm của Hiệp hội Nhân chủng học Mỹ tại Chicago vào tuần trước. Đây cũng là chủ đề của cuốn "The 10,000 Year Explosion” của nhà nhân chủng học Henry Harpending – một chuyên gia của Đại học Utah (Mỹ).
“Trong phần lớn thời gian của thế kỷ trước, giới khoa học xã hội cho rằng sự tiến hóa của loài người đã dừng lại từ rất lâu. Rõ ràng đó là một quan điểm sai lầm, bởi quá trình tiến hóa của chúng ta vẫn tiếp tục”, Harpending khẳng định.
Các nhà nhân chủng học của Đại học Utah cho rằng sự biến đổi gene của loài người đã tăng tốc trong 10.000 năm qua, chứ không ngừng hay chậm lại. Quá trình tiến hóa diễn ra nhanh đến nỗi trí tuệ và hình thái của con người đang chứng kiến những thay đổi đáng kể.
Hình thái của loài người thay đổi khi những đột biến gene ngẫu nhiên hoặc thương tổn của ADN (do phóng xạ, hút thuốc hoặc tiếp xúc với hóa chất độc hại) tạo ra những gene mới. Chỉ một số biến đổi gene gây nên hậu quả xấu, còn phần lớn không tạo ra bất kỳ tác động nào, thậm chí còn giúp chúng ta truyền lại nhiều đặc tính tốt cho thế hệ sau. Đó là quá trình chọn lọc tự nhiên mà Charles Darwin đề xuất từ 150 năm trước.
Chẳng hạn, một thay đổi cực nhỏ trong gene quy định màu da khiến màu sẫm trên da của những người di cư từ châu Phi tới châu Âu nhạt dần. Trong khi đó những người ở lại châu Phi vẫn giữ màu da sẫm vì nó bảo vệ họ khỏi những tia cực tím nguy hiểm của mặt trời. Những người gốc Phi ở phía bắc châu Âu cần nước da sẫm nhạt vì nó cho phép họ hấp thụ ánh sáng mặt trời để sản xuất vitamin D (rất cần thiết cho sự phát triển của xương).
Bất chấp những tiến bộ trong y học và công nghệ, quá trình chọn lọc tự nhiên vẫn tiếp tục diễn ra bởi áp lực từ môi trường xung quanh. Chẳng hạn, đại dịch AIDS ở khu vực phía nam châu Phi đang tạo ra các đột biến gene có khả năng ngăn chặn sự lây lan của HIV.