Bản đồ hé lộ các nước ô nhiễm nhất hành tinh

  •  
  • 3.144

Một nghiên cứu mới phát hiện, ô nhiễm không khí đã gây ra 2,1 triệu ca tử vong sớm trên toàn thế giới mỗi năm và tỉ lệ tử có thể khác biệt rất lớn giữa các quốc gia.

Để làm nổi rõ nguy cơ, các chuyên gia thuộc Chương trình quan sát Trái đất của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã sử dụng những số liệu của nghiên cứu để tạo ra bản đồ hé lộ tình trạng ô nhiễm không khí toàn cầu.

Nhóm lập bản đồ đã so sánh các dữ liệu thống kê về nồng độ các hạt vật chất gây ô nhiễm trong không khí từ ngày 1/1/1850 đến mức kỷ lục được ghi nhận vào ngày 1/1/2000, cũng như biểu diễn tỉ lệ tử trung bình trên mỗi 1.000km2 mỗi năm. Toàn bộ dữ liệu này do nhà nghiên cứu Jason West, giáo sư chuyên ngành khoa học môi trường thuộc Đại học North Carolina (Mỹ) thu thập.

Bản đồ hé lộ các nước ô nhiễm nhất hành tinh
Bản đồ dựa theo các dữ liệu thống kê từ năm 1850 tới năm 2000. (Ảnh: awakenedtruth.com)

Trong báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Environmental Research letters, ông West ước tính khoảng 2,1 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên thế giới có liên quan đến nồng độ các hạt vật chất gây ô nhiễm trong không khí, bao gồm cả bụi và bồ hóng, với kích thước không lớn hơn 2,5 micromet (gọi tắt là PM2,5).

Các hạt PM2,5 có thể do khí thải xe hơi, hoạt động công nghiệp, dân dụng và thậm chí cả những nguồn tự nhiên khác gây ra. Chúng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe do đủ nhỏ để xâm nhập vào phổi của con người.

Các chuyên gia NASA cho biết thêm rằng, chất ô nhiễm độc hại có thể tồn tại trong không khí suốt nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần, và làm tăng số người phải nhập viện vì các vấn đề hô hấp hoặc tim mạch.

Nhóm soạn thảo bản đồ của NASA giải thích: "Các vùng màu nâu tối trên bản đồ có số trường hợp tử vong sớm nhiều hơn những vùng màu nâu sáng. Các vùng màu xanh dương đã có sự cải thiện chất lượng không khí tính từ năm 1850 và chứng kiến việc giảm những ca tử vong sớm.

Các hạt gây ô nhiễm trong không khí đặc biệt gây tác hại nghiêm trọng ở miền đông Trung Quốc, bắc Ấn Độ và châu Âu - tất cả các khu vực mà quá trình đô thị hóa đã gia tăng đáng kể số lượng các hạt PM2,5 trong bầu khí quyển kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp (bắt đầu từ khoảng năm 1760)".

Trong khi đó, các bang đông nam của Mỹ đã chứng kiến sự suy giảm của các hạt PM2,5 tới mức đã từng trải qua trước giai đoạn phát triển công nghiệp. Hiện tượng này nhiều khả năng có liên quan đến việc giảm thiêu đốt sinh khối ở địa phương trong 160 năm qua.

Theo Vietnamnet, Daily Mail
  • 3.144