Bàn tay người phát ra ánh sáng

  •  
  • 1.441

(Ảnh: flickr.com)Theo nghiên cứu mới đây, toàn bộ các phần của bàn tay người đều phát ra mức ánh sáng, nhưng ngón tay phát sáng nhiều hơn. Phát hiện này củng cố một nghiên cứu trước cho rằng, phần lớn vật sống, bao gồm cả thực vật, đều phát ra ánh sáng.

Nhà khoa học Nhật Bản Mitsuo Hiramatsu, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết bàn tay con người không chỉ là bộ phận thân thể phát sáng bằng sự giải phóng các photon, mà cả phần trán và lòng bàn chân cũng phát ra một lượng photon. Nhà khoa học còn cho biết thêm, sự hiện diện của nhiều photon có nghĩa là bàn tay chúng ta luôn sinh ra ánh sáng. Nhưng thứ ánh sáng này không thấy được bằng mắt thường, chính vì thế mà ông Hiramatsu phải sử dụng máy đếm photon cực mạnh để thấy ánh sáng.

Thiết bị đếm này tiết lộ móng tay phát tiết 60 photon, ngón tay tiết 40 photon và lòng bàn tay là mờ nhất với chỉ 20 photon. Phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Photochemistry and Photobiology.

Nhà khoa học Hiramatsu không biết chắc chắn tại sao móng tay lại phát sáng mạnh hơn các phần khác của bàn tay, nhưng ông nói: “Có lẽ do tính chất cửa sổ quang học của móng tay”, có nghĩa là móng tay hoạt động giống như lăng kính tỏa ánh sáng. Hiramatsu cùng đồng nghiệp Kimitsugu Nakamura tiến hành thử nghiệm một số đối tượng cầm ống nhựa chứa nước nóng hay nguội để đo lượng photon phát tiết từ bàn tay của họ.

Hai nhà nghiên cứu cũng bơm khí ôxy hay nitơ vào chiếc ống tới nơi các đối tượng thí nghiệm áp bàn tay vào để phân tích. Chính độ ấm đã làm gia tăng hoạt động phát tiết photon khi khí ôxy được bơm vào. Khi thoa dầu khoáng lên bàn tay thì ánh sáng cũng phát ra nhiều.

Chuyên gia Fritz-Albert Popp

Chuyên gia Fritz-Albert Popp (Ảnh: lifescientists)

Dựa vào các kết quả này, hai nhà khoa học lập luận rằng, đó là một loại phát sáng hóa học, tức là sự phát sáng dựa trên chuỗi phản ứng hóa học, như hiện tượng phát quang của con đom đóm. Họ tin rằng 40% ánh sáng phát tiết từ phản ứng hóa học xảy ra khi da bàn tay chúng ta phản ứng với ôxy.

Đối với việc dầu khoáng thấm qua da bàn tay làm tăng độ sáng, hai nhà khoa học Nhật cho rằng 60% ánh sáng này phát tiết do chuỗi phản ứng hóa học diễn ra bên trong da. Fritz-Albert Popp, chuyên gia hàng đầu thế giới về photon liên quan sinh học ở Viện Sinh học vật lý quốc tế (Đức), đồng ý với phát hiện của người Nhật và không thấy có gì đáng ngạc nhiên. Ông nói: “Chúng ta có thể tìm thấy sự tương quan rõ ràng hiện tượng phát sáng và mức độ bệnh tật nơi con người”.

Popp và Hiramatsu hy vọng những nghiên cứu trong tương lai sẽ tiết lộ nhiều hơn về hiện tượng phát photon nơi con người và mở đường cho nhiều ứng dụng trong chẩn đoán y khoa do bệnh tật có tác động đến sự phát tiết photon.

Theo CAND, Discovery, Vnexpress
  • 1.441