Một sao băng đã nổ tung trên bầu trời trái đất cách đây khoảng 12.900 năm, tạo ra trận mưa lửa thiêu rụi gần như toàn bộ bán cầu bắc. Những bằng chứng cho giả thuyết này sẽ được các nhà khoa học Mỹ công bố tại cuộc gặp của Hội Địa-Vật lý Mỹ diễn ra trong tuần này ở Acapulco, Mexico.
Nhà địa-vật lý Allen West cho biết: "Ngôi sao băng này có đường kính khoảng 2-3 km, đã vỡ tan trước khi chạm mặt đất, tạo ra một loạt các vụ nổ, mỗi vụ tương đương một trái bom nguyên tử". Nhiệt độ cao đã thiêu cháy các đồng cỏ và các loài vật. Những động vật ăn cỏ lớn như voi ma-mút sống sót sau vụ nổ dần dần cũng chết đói trong vòng 1.000 năm tiếp theo. Chỉ những động vật ăn tạp như loài người còn duy trì được nòi giống.
Chứng tích cho biến cố trên là một lớp bụi kim cương cực mỏng mới tìm thấy tại 26 địa điểm ở châu Âu, Canada và Mỹ. Nguyên do là khi sao băng đâm vào trái đất, áp suất cực lớn và nhiệt độ đã biến thành phần cấu tạo chính của nó là carbon thành dạng thù hình kim cương.(Ảnh minh họa: saao.ac.za)
Các bằng chứng khảo cổ khác cũng xác nhận, sự phát triển của các nền văn hóa thuộc thời kỳ đồ đá mới có lúc đã bị thụt lùi một bước nghiêm trọng. Đặc biệt, những cư dân sống bằng nghề săn bắn di cư từ châu Á sang Bắc Mỹ đã tự nhiên tiêu vong chính vào khoảng thời gian này.
Theo nhà nghiên cứu James Kennett, thuộc Đại học California, Santa Barbara, khám phá này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi nó có thể đem lại lời giải cho cuộc tranh luận sôi nổi nhiều chục năm nay về 3 sự kiện xảy ra gần như đồng thời: sự biến mất của thổ dân Bắc Mỹ thời đồ đá mới, sự diệt chủng của loài voi ma-mút, và sự lạnh đi bất thình lình của trái đất sau kỷ băng hà.
Trường Khanh