Bằng chứng về tình trạng "chảy máu chất xám" thời Ai Cập cổ đại

  •  
  • 3.780

Một quan tài cổ với những hình vẽ trang trí kỳ lạ đã hé lộ nhiều thông tin về thời kỳ loạn lạc của người Ai Cập cổ đại cách đây 2500 năm.

Trang Live Science đưa tin, các nhà nghiên cứu cho biết một cỗ quan tài 2500 năm tuổi với nhiều hình vẽ trang trí cẩu thả và có phần kỳ lạ đã hé lộ thêm thông tin về thời kỳ hỗn loạn của người Ai Cập cổ đại dưới quyền trị vì của Đế chế Ba Tư.

Vào năm 525 trước công nguyên, vua Ba Tư Cambyses đã chiếm thành phố Memphis – thủ phủ Ai Cập cổ đại thời bấy giờ - và bắt đầu thời kỳ trị vì kéo dài hơn một thế kỷ của Đế quốc Ba Tư tại quốc gia này. Vào thời gian đó, Đế quốc Ba Tư là một trong những quốc gia hùng mạnh nhất khu vực với diện tích lãnh thổ rộng lớn kéo dài từ Afghanistan ngày nay cho đến bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Bằng chứng về tình trạng "chảy máu chất xám" thời Ai Cập cổ đại
Tình trạng bòn rút chất xám đã xảy ra tại Ai Cập cổ đại cách đây 2500 năm. 

Gayle Gibson, nhà nghiên cứu về Ai Cập cổ đại tại bảo tàng Royal Ontario Toronto, Canada nhận định, những hình vẽ trên cỗ quan tài trông khá kỳ lạ và không mấy chuyên nghiệp. Điều này có thể là do tình trạng bòn rút chất xám đã xảy ra trong thời kỳ này, khi mà các nghệ nhân Ai Cập lành nghề đã bị bắt sang Ba Tư để xây dựng các công trình kiến trúc, chỉ còn lại những người không chuyên và chưa được đào tạo bài bản.

Một trong những điểm kỳ lạ trên cỗ quan tài là hình vẽ người chết nằm trên bàn tang, trên chiếc bàn tang lại chứa hình Ba (loài chim đầu người thân chim), bay phía trên người chết là một con rắn có cánh đeo vương miện tương tự như vương miện của nữ thần Hathor. Phía dưới đất là bốn chiếc chum đựng đầu bốn người con của Horus, tuy nhiên bốn chiếc chum này lại trông rất lố bịch. Bà Gayle Gibson cho hay, đây là chiếc bàn tang duy nhất có trang trí hình đầu Ba, thêm vào đó, hình rắn có cánh đội vương miệng thần Hathor cũng không hề bình thường.

Bằng chứng về tình trạng "chảy máu chất xám" thời Ai Cập cổ đại
Hình vẽ kỳ lạ và cẩu thả so với các tác phẩm khác của người Ai Cập cổ đại. 

Ngoài ra, hình vẽ rắn Mehen – một vị thần bảo hộ của Ai Cập cổ đại – cũng được vẽ rất ẩu với các nét không liền nhau, chi tiết cẩu thả này cho thấy người vẽ bức tranh đã không hiểu hết được ý nghĩa của rắn Mehen.

Nhiều chuyên gia đã nghi ngờ rằng cỗ quan tài là đồ giả do những bức tranh kỳ lạ được vẽ một cách cẩu thả trên cỗ quan tài. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp carbon phóng xạ nhằm xác định niên đại của cỗ quan tài, kết quả cho thấy đây là sản phẩm từ thời kỳ Ba Tư cách đây 2500 năm. Bên cạnh đó, chất liệu gỗ sung dâu và loại mực xanh của chiếc quan tài đều được chứng thực là của người Ai Cập cổ đại.

Tham khảo: Livescience.

 

Theo Vietq
  • 3.780