Bão Durian: Thiệt hại nặng ở huyện đảo Phú Quý

  •  
  • 1.731

Tin điện mới nhất do các PV TT báo về, gió lớn giật trên cấp 12 với những đợt sóng cao trên 8m đã gây thiệt hại lớn cho huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận). Tính đến 9g sáng nay, đã có 820 tàu thuyền tránh bão ở đây bị đánh chìm và gần 2.000 căn nhà bị giật sập, 400 phòng học đổ nát. Thiệt hại ước tính trên 350 tỷ đồng.

 Xem bản tin VTV phát lúc 9h ngày 5-12-2006
 Xem bản tin VTV phát lúc 12h ngày 5-12-2006

Toàn bộ huyện đảo bị mất điện.

Đến 7g sáng nay, UBND Tỉnh Bình Thuận và đại diện ban công tác chính phủ họp bàn biện pháp khắc phục chi viện cho Phú Quý, tuy nhiên trong điều kiện thời tiết hiện thời không có tàu thuyền nào ra đảo được. Theo đại tá Nguyễn Văn Mạnh, Phó tham mưu trưởng Quân Khu 7, trong ngày hôm nay trực thăng chưa thể bay ra đảo. Nhu cầu hiện tại của huyện đảo Phú Quý là nhà bạt cho 1.112 hộ không có chỗ ở và lương thực cho người dân tại đây.

Đường đi của bão số 9
Đường đi của bão số 9 (Ảnh: TTO)

Tại một số địa bàn khác ở Bình Thuận như thị xã La Gi, có 178 căn nhà bị tốc mái và 2 chiếc tàu bị chìm, 2 người tử vong, đó là hai mẹ con trú bão trong gác chuông nhà thờ Đồng Tiếng thì bị gác chuông sập đè chết.

Tổng hợp mới nhất của Ban chỉ đạo PCLB TƯ vào 7giờ 30 sáng nay (5-12): 

Lúc 22 giờ ngày 4-12 tại đảo Phú Quý (Bình Thuận) đã có gió cấp 11,giật cấp 12. Tại Bình Thuận bão đã làm 2 người chết ở huyện Tuy Phong (Bị cây Thánh giá trong nhà thờ đổ vào người). Ngoài ra còn  có 3 người trong tỉnh bị thương. 70 chiếc tàu bị sóng đánh vỡ, 820 chiếc tàu nhỏ bị chìm (trong đó có 1 chiếc của bộ đội biên phòng). Số nhà sập, tốc mái là 1.120 căn, 22 điểm trường học bị tốc mái, gãy đổ 3 cột ăng ten và nhiều cột điện lưới.   Hệ thống điện trên đảo Phú Quý bị hư hỏng nặng làm mất điện toàn bộ đảo. Hệ thống thông tin liên lạc cũng bị hư hỏng nặng.

Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã có  9 người chết, 500 căn nhà bị tốc mái. Tại huyện Cần Giờ  (TP. HCM)  có một thuyền  gắn máy D24 (không số) bị chìm, người an toàn.  Tỉnh Bến Tre bão đã làm nhiều nhà đổ sập nhưng chưa thống kê được số lượng.

Bão đã vào Bến Tre, Tiền Giang

Hồi 7 giờ ngày 5-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,1 độ vĩ bắc, 106,9 độ kinh đông, ngay sát bờ biển phía đông tỉnh Bến Tre. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật trên cấp 11. Tại Ba Tri (Bến Tre) cấp 8, giật cấp 11, Gò Công (Tiền Giang) cấp 8, giật cấp 11. Các tỉnh từ ven biển Nam Trung Bộ có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được trong 6 giờ qua (tính đến 7 giờ ngày 5-12) ở một số nơi như sau: Quy Nhơn (Bình Định) 22mm; Nha Trang (Khánh Hòa) 12mm; Phan Thiết (Bình Thuận) 76mm; Hàm Tân (Bình Thuận) 154mm; Phú Quý (Bình Thuận) 232mm...

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km, vùng tâm bão đi vào địa phận các tỉnh Bến Tre - Trà Vinh, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền qua các tỉnh miền tây Nam Bộ sang vùng biển Cà Mau - Kiên Giang. Đến 7 giờ ngày 6-12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,5 độ vĩ bắc; 102,8 độ kinh đông, trên khu vực vịnh Thái Lan.

Từ chiều ngày 5-12, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật trên cấp 9. Biển động rất mạnh. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Nam Bộ và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cần đề phòng lốc xoáy, lũ quét và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh từ Cà Mau đến Kiên Giang cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với thủy triều cao từ 2-3 m và sóng biển cao từ 5-7 m.

(Bản tin phát lúc 9g30 của TT Dự báo Khí tượng Thủy văn)

Đoạn quốc lộ 1 qua eo Cà Ná nối liền 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận bị sóng đánh sạt lở đến mép đường. Hiện tại, ở huyện Tuy Phong có 24 căn nhà bị tốc mái.

Vũng Tàu: 5 người chết, hơn 30 người bị thương

P.V Hải Đăng từ Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay: Tại huyện Đất Đỏ, Vũng Tàu: đã có 5 người chết: 1 ở Phước Hải, 1 ở Phước Long Thọ, 1 ở Phước Hội và 2 người ở Lộc An.

Riêng tại Phước Hải, theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 800 căn nhà bị tốc mái, 89 người bị thương. Hiện tại, chính quyền địa phương đã bố trí các nhà bị hư hại sơ tán vào các trường học, đồng thời cung cấp 5.000 gói mì cho các hộ này, chuẩn bị cấp thêm 12.000 gói mì nữa.

Xã Lộc An, Vũng Tàu đã có 2 người bị nhà sập đè chết, 30 đến 40 bị thương, hàng trăm căn nhà sập hoàn toàn, 80% nhà ở Lộc An bị tốc mái.

Xã Láng Dài - Đất Đỏ cách biển khoảng 10km có hàng trăm căn nhà bị tốc mái.

Bến Tre: 8 người chết

Thông tin từ Ban PCLB Bến Tre thống kê sáng nay: Bến Tre có 8 người chết (7 ở Bình Đại và 1 ở Châu Thành) nguyên nhân do nhà đổ, cây đổ đè chết, 71 người bị thương. 2961 căn nhà bị sập, 6565 căn nhà bị tốc mái. Các huyện thiệt hại nhiều nhất là Bình Đại và Ba Tri do ở ven biển. Hiện Bến Tre cũng trong tình trạng cúp điện toàn khu vực.

Sóc Trăng: Di dời hơn 200 hộ dân

Tại Sóc Trăng, các lực lượng ứng cứu cứu hộ đã di dời được trên 200 hộ với hơn 1.100 người dân ở những vùng nguy hiểm vào vùng tránh bão an toàn, dự kiến trong buổi sáng nay sẽ di dời toàn bộ 1.390 hộ dân trong vùng nguy hiểm ở các huyện Cù Lao Dung, Vĩnh Châu, Long Phú. Hầu hết các tàu thuyền của tỉnh đã vào nơi trú bão an toàn, chỉ còn 40 chiếc đánh bắt xa bờ với 580 ngư dân tuy chưa vào bờ nhưng đã tránh khá xa tâm bão (gần vùng biển Malaysia).

Trà Vinh: Mưa to nhưng chưa có sự cố nghiêm trọng

từ lúc 4 giờ sáng 5-12 đã xuất hiện mưa trên diện rộng, có nơi mưa rất to như Thị xã Trà Vinh, ở các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, và Trà Cú, nhưng chưa có thiệt hại lớn. Huyện Duyên Hải có mưa lớn kéo dài, đang gấp rút di dời hàng trăm hộ dân về các nơi cao ráo để tránh ngập nước; đồng thời để ổn định đời sống của bà con trong thời gian tránh bão. Ở huyện Trà Cú - theo dự kiến sẽ là nơi tập trung nhất cho công tác phòng chống bão, với trên 155 tàu đánh cá đang được neo đậu tại bến cá Định An, nhưng ở đây chỉ xuất hiện mưa nhỏ, không có gió giật.

Huyện Cầu Ngang đang triển khai lực lượng cán bộ đi hiện trường kiểm tra hệ thống cống đập thủy lợi phục vụ trồng lúa và nuôi tôm, nhưng đến giờ này vẫn chưa có sự cố nào nghiêm trọng.

Xã đảo Thạnh An, Cần Giờ (TP.HCM): di dời trên 1.000 hộ dân

P.V Hồ Văn cho hay, lúc 4g sáng nay, gió thổi mạnh, mưa liên tục từ nửa đêm đến tận thời điểm này. Ấp Thạnh Hòa, nhà vách tôn bị gió thổi tung khoảng 50 căn nhà bị tốc mái, xiêu vẹo, 10 căn nhà sập, 2 căn nhà cháy do chập điện. UBND xã, trường học, trường mẫu giáo bị tốc mái, một số người dân bị xây xước nhẹ. Ban phòng chống lụt bão đã di dời khoảng 1.233 người dân về khu vực Miếu Bà và nhà văn hóa xã.

Tiền Giang: 1 người chết 7 người mất tích

Theo ghi nhận của phóng viên Vân Trường tại Tiền Giang: Một phụ nữ ở ấp Láng, xã Tân Thành, Gò Công Đông trong lúc chạy tránh bão bị lên cơn đau tim, tử vong. 6 người dân đóng đáy sông Cầu ở xã Vàm Láng, Gò Công Đông bị chìm ghe, 2 người ôm can nhựa được sóng đánh dạt vào xã Tân Thành, thoát chết, 4 người còn lại mất tích. 3 người dân xã Tân Thành do chủ quan ra giữ nghêu bị sóng đánh mất tích.

Theo số liệu thống kê tạm thời, 4/11 ấp tại xã biển Tân Thành giáp tỉnh Bến Tre có 700 căn nhà bị tốc mái, 105 căn nhà sập hoàn toàn. Đoạn đường từ thị trấn Tân Hòa đến Tân Thành có hàng chục cột điện bị đổ ngã, hàng chục cây cối bị trốc gốc, nhà cửa hư hại nặng.

Ông Lê Văn Nghĩa, chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, đã có 15 xã báo cáo về tình hình thiệt hại do bão. Tính đến 11g30 trưa nay, có 818 căn nhà bị sập, 2.879 căn bị tốc mái, nặng nhất là hai xã cù lao Phú Tân và Phú Đông, trong đó Phú Tân có 1.122 căn nhà sập, Phú Đông có 1.163 căn nhà sập, hơn 4 ngàn nhân khẩu của hai xã này bị thiếu đói và huyện đã cứu trợ khẩn cấp 15.000 gói mì.

Chiều nay, huyện sẽ họp để chi viện thêm gạo, lương thực cho hai xã này. Đã có thêm 1 người ở xã Kiến Phước bị đột quị nâng số người tử vong lên 2 người. Đã có 33 người mất tích ở Vàm Láng, Tân Thành, Tân Phước. 5 ghe bị chìm và 10.000 dân được sơ tán tránh bão.

Gió lớn làm đổ cây ở TP Vũng Tàu

Gió lớn làm đổ cây ở TP Vũng Tàu

Gió lớn làm đổ cây ở TP Vũng Tàu (Ảnh do bạn đọc Lê Văn Bản cung cấp, TTO)

Phê bình lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu

Tại cuộc họp ban chỉ đạo  PCLB TƯ sáng nay, các thành viên khẳng định bão số 9 có cường còn đang mạnh, cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11, diễn biến còn phức tạp. Có thể khẳng định sẽ đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và vùng biển Tây Nam của Kiên Giang và Cà Mau. Còn nhiều tàu thuyền đang hoạt động ở ven biển phía Đông Nam của Cà Mau và vùng biển Tây của Kiên Giang. Vì vậy phải tập trung cao độ bảo đảm an toàn cho tàu thuyền ở khu vực này, kể cả khi đã vào bờ trú ẩn. Việc di dời dân ở khu vực này phải làm khẩn trương ngay trong sáng nay.

Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã phê bình tỉnh Bình Thuận về việc không cử lãnh đạo tỉnh ra đảo Phú Quý để chỉ đạo đối phó với bão. Phó Thủ tướng cũng nhận xét tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ đạo chằng chống nhà yếu.

Sạt lở ở bãi biển Cà Ná - Ninh Thuận
Sạt lở ở bãi biển Cà Ná - Ninh Thuận (Ảnh: Lê Trường)

Công điện thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng

Bão số 9 với sức gió cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11 đang ảnh hưởng và đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và vùng biển Tây Nam của Cà Mau và Kiên Giang. Bão có thể đổ bộ vào ngày và đêm 05-12, sáng 06-12. Đây là khu vực có nhiều tàu thuyền nhỏ, nhà dân không đủ an toàn. Thời gian bão vào có thể duy trì lâu cả ngày và đêm lại gặp triều cường, sóng biển dâng cao, nhiều cửa sông, kênh rạch, mưa lớn, lốc xoáy sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long nêu trên tuyệt đối không được chủ quan lơ là:

  1. Tiếp tục và kiên quyết di dời sơ tán dân ở những vùng nguy hiểm, những ngôi nhà không đủ kiên cố đến nơi an toàn.
  2. Tổ chức neo đậu tàu thuyền đặc biệt là khu vực biển phía Tây, tránh lặp lại thảm họa của cơn bão Linda năm 1997.
  3. Ngay sáng ngày 05-12 phải kiên quyết không để dân ở lại trên tàu thuyền khi đã vào nơi neo đậu và ở lại trên các chòi canh nuôi trồng thuỷ sản, trường hợp cần thiết phải cưỡng chế đưa dân đến nơi an toàn.
  4. Tổ chức chằng chống nhà cửa, sử dụng các bao cát để bảo vệ các mái nhà có tấm lợp.
  5. Tổ chức các lực lượng trên địa bàn bảo đảm an ninh trật tự đặc biệt vào ban đêm và những vùng dân cư đã đi sơ tán.
  6. Duy trì các lực lượng để sẵn sàng cứu hộ và ứng cứu kịp thời trong các tình huống.
  7. Hoãn mọi cuộc họp không cần thiết để tập trung chống bão.
  8. Cho học sinh nghỉ học ở những nơi trường lớp không bảo đảm an toàn.  

* Tiếp tục cập nhật.

Theo Tuổi trẻ
  • 1.731