Bão Mặt trời tạo cực quang hồng hiếm gặp

  •  
  • 99

Nhiếp ảnh gia Markus Varik chụp ảnh cực quang hồng tuyệt đẹp ở Na Uy khi bão Mặt trời phá vỡ một lỗ hổng trong từ quyển của Trái đất.

Cực quang ngoạn mục trên bầu trời Na Uy.
Cực quang ngoạn mục trên bầu trời Na Uy. (Ảnh: Markus Varik)

Người dân ở thành phố Tromsø, phía bắc Na Uy, không còn xa lạ với cực quang vì đây là một trong những địa điểm lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng, nhưng "màn trình diễn ánh sáng" vào tuần trước rất đặc biệt. Tại một số thời điểm, gần như toàn bộ bầu trời được chiếu sáng bởi những dải màu sắc huyền ảo, bao gồm cả ánh sáng hồng hiếm thấy.

Cảnh tượng tuyệt đẹp này đã được nhiếp ảnh gia Markus Varik, hướng dẫn viên quan sát cực quang từ công ty du lịch Greenlander có trụ sở gần Tromsø, ghi lại và chia sẻ với Live Science hôm 7/11.

"Đây là cực quang màu hồng mạnh nhất mà tôi từng thấy trong hơn một thập kỷ qua", Varik nhấn mạnh. "Nó xuất hiện vào khoảng 18h theo giờ địa phương và kéo dài trong hai phút".

Theo Forbes, đây cũng là một trong những đợt cực quang phương Bắc mạnh nhất năm, được kích hoạt bởi cơn bão Mặt trời cấp G-1 đổ bộ Trái đất hôm 3/11. Dù G-1 đại diện cho cường độ yếu, cơn bão đã xé toạc một lỗ trong từ quyển của hành tinh, tạo điều kiện cho các hạt năng lượng cao thâm nhập sâu hơn vào bầu khí quyển so với bình thường, khiến cực quang xuất hiện với màu sắc khác thường.

 Bão Mặt trời tạo điều kiện hình thành cực quang hồng hiếm gặp.
Bão Mặt trời tạo điều kiện hình thành cực quang hồng hiếm gặp. (Ảnh: Markus Varik)

Cực quang được hình thành khi các hạt tích điện có năng lượng cao từ gió Mặt trời đi quanh từ quyển. Từ trường của hành tinh bảo vệ chúng ta khỏi bức xạ vũ trụ, nhưng lá chắn tự nhiên yếu hơn ở hai cực Bắc và Nam, điều này cho phép gió Mặt trời thâm nhập vào bầu khí quyển, thường ở độ cao từ 100 và 300km so với bề mặt Trái đất.

Phần lớn cực quang có màu xanh lục, vì các nguyên tử oxy có nhiều trong khí quyển phát ra màu sắc đó khi chúng bị kích thích. Tuy nhiên, trong cơn bão Mặt trời gần đây, vết nứt trong từ quyển Trái đất đã cho phép gió Mặt trời xuyên qua độ sâu dưới 100 km, nơi nitơ là khí dồi dào nhất, theo Space Weather. Kết quả là cực quang phát ra ánh sáng hồng neon khi các hạt tích điện đập vào các nguyên tử nitơ.

Lỗ thủng trong từ quyển cũng tạo ra cực quang xanh mạnh suốt đêm, trước khi đóng lại sau khoảng 6 giờ, Varik nói. Trong thời gian này, một dải ánh sáng xanh kỳ lạ cũng xuất hiện ở Thụy Điển, nơi nó treo lơ lửng trên bầu trời khoảng 30 phút.

Cập nhật: 09/11/2022 VnExpress
  • 99