Lý giải mới về nguồn gốc của vật thể bí ẩn Oumuamua

  •  
  • 841

Dù đã biến mất từ lâu, nguồn gốc của "điếu xì gà" trong vũ trụ Oumuamua vẫn chưa được giới khoa học thống nhất.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature đã đưa ra cách lý giải nguồn gốc của Oumuamua, cho rằng đây chỉ là một vật thể tự nhiên, không phải là sản phẩm của người ngoài hành tinh như nhiều người đồn đoán. Tuy nhiên, nghiên cứu này không thuyết phục được một nhà thiên văn học đến từ Đại học Harvard.

Oumuamua được cho là một “khối băng” giàu hydro.
Oumuamua được cho là một “khối băng” giàu hydro. (Ảnh: Vice).

Được phát hiện vào tháng 10/2017, Oumuamua nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới thiên văn học vì có hình dạng và "hành vi" kỳ lạ.

Oumuamua có dạng dài và dẹt như điếu xì gà – một hình dạng hiếm thấy ở thiên thạch. Bên cạnh đó, nó có xu hướng di chuyển theo đường thẳng, thay vì bay theo đường elip bởi lực hấp dẫn của Mặt trời. Đặc biệt, tốc độ di chuyển của Oumuamua nhanh hơn nhiều so với so với thiên thạch và còn tăng tốc khi đến gần Mặt trời, giống như nó được đẩy đi bởi một lực bổ sung.

Thông thường, sao chổi cũng có khả năng di chuyển tương tự nhờ giải phóng vật chất khí và tạo thành đuôi sao chổi. Nhưng Oumuamua lại không có "đuôi". Những kính viễn vọng đặc biệt không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy vật thể này giải phóng vật chất như sao chổi, dù là hơi nước hay bụi.

Dù đã biến mất từ lâu, nguồn gốc của Oumuamua vẫn là một bí ẩn. Nhiều lập luận được đưa ra, trong đó không ít người tin rằng vật thể này là sản phẩm của người ngoài hành tinh.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Nature, các nhà khoa học đã nêu lập luận chứng minh Oumuamua chỉ là một vật thể tự nhiên. Cụ thể, họ cho rằng Oumuamua thực chất là một “khối băng” giàu hydro. Khi đến gần Mặt trời, nhiệt độ cao khiến hydro phân tử hóa khí, giải phóng năng lượng khiến vật thể tăng tốc, đồng thời bị mài mòn thành hình dạng đặc biệt.

Lượng nhỏ khí hydro đã khiến cho Oumuamua tăng tốc mà không hình thành "đuôi"
Nghiên cứu mới lập luận rằng, lượng nhỏ khí hydro đã khiến cho Oumuamua tăng tốc mà không hình thành "đuôi". (Ảnh: Getty Images).

Các tính toán cho thấy, một lượng nhỏ hydro phân tử có thể tạo ra gia tốc mạnh, đẩy nhanh tốc độ của Oumuamua mà không hình thành “đuôi” sao chổi.

Đây được xem là lời giải thích khá hợp lý cho mọi bí ẩn xoay quanh Oumuamua, củng cố cho giả thuyết Oumuamua là một di tích hành tinh tương tự các sao chổi trong Hệ Mặt trời.

“Lời giải thích này sẽ chấm dứt cuộc tranh luận gay gắt kéo dài 5 năm qua về Oumuamua, nhưng cũng mở ra những khám phá về sự hình thành hành tinh”, Darryl Seligman - nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Cornell và là đồng tác giả của nghiên cứu - nhận định.

Tuy nhiên, tiến sĩ Avi Loeb thuộc Khoa Thiên văn học, Đại Học Harvard không đồng ý với lập luận này.

Theo ông Loeb, để Oumuamua đạt vận tốc lên tới 322.000 km/h như đã thấy thì hydro bên trong khối băng phải bay hơi hoàn toàn, khi đó lượng lớn phân tử oxy cũng sẽ giải phóng theo, đồng nghĩa với việc vẫn phải nhìn thấy “đuôi” của Oumuamua.

“Hãy nhớ rằng Oumuamua có kích thước bằng một sân bóng đá (100-200m). Làm thế nào mà tất cả hydro từ độ sâu hàng chục m thoát ra trong khi để lại một vật thể chứa oxy nguyên chất? Điều này là không thể tin được”, Loeb nhận định.

Loeb cho biết, chỉ có những phi thuyền nhân tạo mới có “hành vi” và hình dạng như Oumuamua. Chẳng hạn như 2020 SO - một tên lửa được NASA phóng vào năm 1966, sau đó bị lãng quên và được phát hiện lại vào tháng 9/2020.

“Các tác giả này cho rằng đó là một dạng đặc biệt của sao chổi dù nó khồng hề có “đuôi”. Chẳng khác gì nói một con voi có thể là một con ngựa vằn không có sọc”, Loeb nói.

Cập nhật: 27/03/2023 Zing
  • 841