Bão Usagi áp sát Vũng Tàu, mưa lớn

  •  
  • 614

Tốc độ di chuyển chậm lại nhưng cường độ gió vẫn đạt 100 km/h, bão Usagi còn cách Vũng Tàu 40 km, nhiều nơi đang mưa lớn.

10h30

Tại Bến Tre, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, buổi sáng địa phương này có mưa kèm theo gió vừa, cấp 6,7. 16.000 dân ven biển hiện đã được di dời an toàn và chưa có trường hợp giông lốc làm sập nhà. "Chúng tôi vừa khảo sát trong buổi sáng, hơn 40.000 ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản vẫn an toàn", ông Lập nói.

Mưa lớn gây ngập trên đường phố Vũng Tàu.
Mưa lớn gây ngập trên đường phố Vũng Tàu. (Ảnh: Nguyễn Khoa).

10h10

Lúc 9h45, ông Lê Tuấn Quốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, theo tin của Đài khí tượng thủy văn thì bão đã vào bờ ở khu vực Hòn Bà (mũi Nghinh Phong, TP Vũng Tàu) gây ra mưa lớn, gió giật cấp 8-9. "Tình hình ổn định, các địa phương chưa ghi nhận, báo cáo thiệt hại về người và tài sản", ông Quốc nói.

Một cận cẩu thi công công trình trên đường Thùy Vân, Vũng Tàu.
Một cận cẩu thi công công trình trên đường Thùy Vân, Vũng Tàu. (Ảnh: Nguyễn Khoa).

9h20: Cây bật gốc trên đường phố Vũng Tàu

TP Vũng Tàu gió giật từng hồi, mưa mù mịt khiến nhiều điểm trên các con đường bị úng ngập cục bộ. Đường phố vắng bóng người dân địa phương đi lại. Phần lớn hàng quán đã đóng cửa. Đường Thùy Vân ở khu vực biển Bãi Sau, một cây dương bị gió quật ngã chắn ngang một chiều đường, khiến các phương tiện phải đi ngược vào chiểu còn lại.


Cây dương bị quật ngã trên đường Thùy Vân, Vũng Tàu. (Ảnh: Nguyễn Khoa).

Gần đó, nhiều nhóm khách du lịch tản bộ trên đường và dẫn nhau xuống biển ngắm những cột sóng cao hàng mét tấp vào bờ dồn dập. "Mấy phút trước có người cố trèo xuống biển để chụp ảnh bị bảo vệ yêu cầu lên bờ. Tôi cùng nhóm bạn đứng xa xem để cảm nhận cảm giác bão như thế nào nhân tiện xuống Vũng Tàu chơi", du khách ở TP HCM cho hay.

9h05: Hơn 7.000 người sống ven biển Tiền Giang di tản

Tại Tiền Giang, trong đêm, hơn 7.000 người dân sống ven biển Tân Thành (Gò Công Đông) đã di dời đến nhà người quen, khách sạn nhà nghỉ tại thị xã. Hàng trăm người dân khác không có điều kiện đã đến trú ẩn tại trạm y tế xã.

Khu vực biển từ Vàm Láng đến Tân Thành sáng nay bắt đầu có mưa kèm gió lớn. Nhiều đoạn đê biển đã được chính quyền địa phương gia cố. Chính quyền địa phương liên tục dùng xe tuần tra dọc bờ biển, nhắc nhở tánh trú bão, nhưng còn một số người dân vẫn mặc áo mưa lội ra bãi biển bắt cá, nghêu nuôi.

"Tại xã hiện có 1.900ha sân nghêu đang thời điểm thu hoạch, trường hợp bão vào, nghêu sẽ bị sóng cuốn trôi gây thiệt hại cho người dân", ông Đoàn Thanh Hưng, Chủ tịch UBND xã Tân Thành nói.


Người dân Vàm Láng, Gò Công Đông, Tiền Giang vẫn bình thảm ra thăm bãi nghêu sáng 25/11. (Ảnh: Hữu Khoa).

8h55: Đường ray sạt lở, đường sắt Bắc - Nam tê liệt

Ông Nguyễn Long Biên – Chánh văn phòng UBND Ninh Thuận – cho biết, ảnh hưởng bão Usagi gây mưa lớn, làm nhiều nơi trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, một số nơi thấp trũng ngập nước.

Gần 23h hôm qua, tuyến đường sắt đoạn qua ga Kà Rôm đến ga Phước Nhơn, huyện Ninh Hải bị tê liệt do ngập trong nước, có đoạn sâu gần một mét. Ngoài ra, mưa lớn gây xói mòn đất, sạt lở đường sắt khiến các tàu đi qua đây phải dừng lại vào các ga lân cận tránh chờ thông đường. Hàng trăm hành khách bị mắc kẹt. Lực lượng chức năng đang khắc phục sự cố.


Đường sắt qua tỉnh Ninh Thuận bị sạt lở.

Do ảnh hưởng của đường sắt tại Ninh Thuận bị hỏng, ít nhất ba đoàn tàu SE1, SE3 và SE21 với hơn 1.000 khách trên ba tàu phải dừng lại tại các ga ở Khánh Hòa. "Chúng tôi đã đưa ôtô đến để trung chuyển khách đến ga còn lại", ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Vận tải đường sắt Sài Gòn chi nhánh tại Nha Trang nói và cho biết, ga từ Nha Trang ra phía Bắc hoạt động bình thường.

8h50

Tại Long An, địa phương giáp ranh với TP HCM, trong đêm và sáng nay có mưa nhỏ, gió nhẹ. Hơn 500 hộ dân sống trong những căn nhà tạm bợ ven sông ở Cần Đước và Cần Giuộc đã được sơ tán. "Đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận thiệt hại", ông Võ Kim Thuần, Chi cục Trưởng Thủy lợi và Phòng chống lụt bão thông tin.

8h40: Gió quật ngã người đi đường ở Cần Giờ (TP HCM)


Người dân Cần Giờ. (Ảnh: Thành Nguyễn).

Thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) trời nổi gió kèm mưa to. Một số người đi đường mặc áo mưa bị gió quật ngã, xe chạy phải mở đèn vì tầm nhìn bị che khuất. "Tôi cảm nhận rất rõ bão đang đổ bộ vào đất liền. Trời lạnh, mưa và gió thổ rất lớn", ông Trần Văn Bền đội mưa bán vé số, nói.

Trên các tuyến đường, chính quyền liên tục phát loa cảnh báo người dân hạn chế ra ngoài để tránh mưa bão.

Khu trung tâm TP HCM mưa từ 4h nhưng khá nhỏ. Hiện, trời âm u, mưa dần lớn.

8h20: 10 tàu nhỏ bị chìm ở Phan Thiết

Bình Thuận từ đêm qua và sáng 25/11 cũng có mưa lớn. Tại khu vực Nam Bình Thuận gồm thị xã La Gi, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của tâm bão Usagi sáng nay có gió mạnh cấp 6, 7. Đường phố thị xã La Gi vắng vẻ, ít người ra đường.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Bình Thuận đến sáng nay toàn tỉnh có 10 chiếc tàu nhỏ đang neo đậu tại cảng Phan Thiết bị chìm do sóng lớn. Tại Phú Quý một số thuyền neo đậu tại cảng bị đứt neo, lực lượng chức năng phải đưa lực lượng buộc lại.

8h10: Tâm bão cách Vũng Tàu 40km

Từ 3h sáng 25/11, nhiều nơi ở Bà Rịa- Vũng Tàu trời đổ mưa to dần, gió bắt đầu thổi mạnh, biển xuất hiện sóng cao 2-3 m.


Sóng biển cao 2-3m ập vào bờ biển Vũng Tàu. (Ảnh: Nguyễn Khoa).

Tại TP Vũng Tàu, các tuyến phố ven biển vắng người, nhiều hàng quán và nhà dân đóng kín cửa. Lực lượng chức năng dùng ôtô rảo qua các khu phố để phát thông tin cảnh báo bão đến người dân, du khách.

Trong đêm qua, trước việc mưa giông lớn, người dân sống ở các phòng trọ, nhà không an toàn được các khách sạn 1-3 sao mời đến trú bão miễn phí.

Trong khi đó, người dân sống dọc bờ biển ở thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) - nơi được dự báo bão trực tiếp đổ bộ - cũng cửa đóng then cài. Những người đàn ông tập trung theo nhóm theo dõi thông tin về cơn bão trên điện thoại. Trong khi người già, phụ nữ và trẻ nhỏ vẫn ở lại các công sở, trường học. Chính quyền kiên quyết không cho người dân trở về nhà.

Ông Lê Tuấn Quốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, bão đang cách đất liền khoảng 40km và đang di chuyển chậm lại. Tỉnh này chưa ghi nhận thiệt hại do bão gây ra.

8h

Trao đổi với PV, Thạc sĩ Lê Đình Quyết (Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ) cho biết, bão Usagi đang áp sát Vũng tàu, còn cách khoảng 50 km. Hiện, ở biển Vũng Tàu mới ghi nhận có gió mạnh cấp 6, biển Cần Giờ gió cấp 5.

"Với tốc độ di chuyển 7-8km/h, khoảng đầu giờ chiều nay bão sẽ cập bờ các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Bến Tre. Tuy nhiên, dự báo Usagi sẽ không mạnh thêm, từ nay đến chiều sẽ có mưa nhưng không quá lớn", ông Quyết nói.


Bão Usagi đang cách Vũng Tàu 40km.

Tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (TP HCM) - trên đường đi của bão mưa bắt đầu lớn hơn đêm qua, kèm gió giật nhẹ.

"Chúng tôi đang theo dõi diễn biến của cơn bão để sẵn sàng ứng phó. Hiện toàn bộ người dân đã vào các điểm trú bão an toàn", ông Lê Minh Dũng (Chủ tịch huyện Cần Giờ) nói.

Cập nhật: 26/11/2018 Theo VNE
  • 614