Theo đó, cám gạo có giá trị dinh dưỡng cao, là một nguồn cung cấp nhiều protein, chất béo, các khoáng chất và vi chất dinh dưỡng như vitamin B.
"Theo truyền thống, người ta chỉ nghĩ rằng cám gạo là nguồn chất xơ rẻ và cũng là nguồn chất béo có ích để dùng làm dầu ăn (dầu cám gạo). Vì chỉ được xem là thức ăn gia súc nên cám gạo không được dùng nhiều trong chế độ dinh dưỡng và tăng cường sức khỏe của con người. Nhưng giờ đây, giá trị dinh dưỡng cao của cám gạo đã khiến người ta để ý đến nó nhiều hơn trong sức khỏe cộng đồng", theo đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Elizabeth Ryan đến từ trường đại học Colorado. "Một khẩu phần cám gạo (tương đương 28g theo tiêu chuẩn Bộ nông nghiệp Mỹ USDA) cung cấp nhiều hơn phân nửa nhu cầu mỗi ngày các loại vitamin như thiamine, niacin và vitamin B6".
Theo Phys, cám gạo là phần bao ngoài hạt gạo nằm giữa hạt bên trong và vỏ trấu khi chưa bị xay xát (xem ảnh dưới). Với các loại gạo trắng xay xát kỹ trên thị trường hiện nay thì cám gạo đã bị loại bỏ khỏi hạt gạo còn nguyên trong quá trình xử lý và chủ yếu dùng làm thức ăn gia súc.
Cấu trúc hạt gạo. (Ảnh: hoathien).
Việc xác định và đo lường các phân tử khác nhau trong một loại thực phẩm thuộc về ngành học mới nổi gần đây là metabolomics (còn gọi là "Foodomics"). Foodomics chuyên nghiên cứu các kiến thức dinh dưỡng và thực phẩm thông qua việc ứng dụng các công nghệ omics tiên tiến để cải thiện sức khỏe tinh thần, thể chất và sự tự tin cho người tiêu dùng.
Nghiên cứu mới thuộc về Foodomics, ngành khoa học mới nổi giúp người tiêu dùng cải thiện sức khỏe tinh thần, thể chất và sự tự tin (Ảnh: Foodomics Group, CIAL).
Một kỹ thuật phân tích hóa sinh phức tạp trong ngành Foodomics là phổ khối lượng (mass spectrometry) đã được nhóm nghiên cứu sử dụng để xem xét 3 loại gạo Mỹ khác nhau trước đây từng được dùng trong các thử nghiệm can thiệp chế độ ăn kiêng của con người. Kết quả cho thấy cám gạo có 453 chất chuyển hóa, trong đó có 65 chất tiềm ẩn khả năng tăng cường sức khỏe và dược lý đã biết và 16 chất chưa từng được nhắc đến. Trong số này, các amino acid, vitamin, cofactor chiếm đến gần 50% tổng hàm lượng phân tử nhỏ. Các chất này và các chất chuyển hóa thứ cấp được cho là có lợi ích dinh dưỡng và y học.
Chất chuyển hóa-metabolite là những chất được tạo thành hoặc cần thiết cho các quá trình trao đổi chất sản sinh ra năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng trong cơ thể. Còn cofactor là thuật ngữ chỉ các chất cần thiết để enzyme hoạt động trong quá trình trao đổi chất nhưng không phải protein.
Cám gạo có hàm lượng protein khá cao. (Ảnh minh họa).
Một số hợp chất được phát hiện lần này đã từng được chứng minh trong các nghiên cứu trước đây là có những đặc điểm tốt cho sức khỏe như chống viêm, vi khuẩn và cao huyết áp.
Ngoài ra, người ta cũng thấy cám gạo có hàm lượng protein khá cao, đến 12-15%, có thể giúp giải quyết nạn thiếu hụt dinh dưỡng, một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên thế giới hiện nay.
"Gạo là nguồn lương thực thiết yếu cho hơn phân nửa dân số thế giới, được trồng ở hơn 100 quốc gia. Khi được tiêu thụ, cám gạo tạo ra hơn 400 hợp chất riêng biệt, trong đó có thể có nhiều hợp chất đóng vai trò nhất định trong quá trình "làm việc nhóm" của bộ máy tiêu hóa để đem lại các lợi ích sức khỏe. Dù cách thức các hợp chất riêng lẻ này có thể được cơ thể người sử dụng để tiêu hóa tốt đến mức nào vẫn là điều khoa học bị giới hạn nhưng hợp chất hóa sinh của cám gạo xứng đáng để chúng ta tiếp tục khám phá những phương pháp trị liệu dinh dưỡng và ứng dụng thực phẩm y học từ cám gạo", giáo sư Ryan kết luận.