Chiến dịch truy lùng những dòng sông đen, hôi thối ở Trung Quốc

  •  
  • 797

Giới chức Trung Quốc lần đầu triển khai dự án môi trường kêu gọi người dân chung sức tìm những dòng sông "đen và hôi thối", lập bản đồ ô nhiễm để cải tạo nguồn nước.

Một sáng chủ nhật đầy nắng, Shi Dianshou khởi hành tới con sông Hạnh Phúc.

"Hiện nó không hề hạnh phúc", nhà hoạt động môi trường 24 tuổi thừa nhận khi cho xe chạy về phía bắc thủ đô Bắc Kinh để kiểm tra con sông có cái tên rất thơ mộng.

Di chuyển được hơn 40km, Shi đỗ xe cạnh một con lạch bẩn thỉu và ngập rác. Chiếc ghế sofa màu đen nổi chỏng chơ giữa dòng nước tối màu, một hố rác đầy tô điểm cho bờ phía tây. Một chiếc áo ngực treo vắt vẻo trên cành cây bên cạnh, thêm nét mỉa mai cho cảnh tồi tàn.

"Tôi đã thấy nhiều con sông như thế này", Shi than phiền trong lúc đi dọc dòng nước để đánh giá độ bẩn. "Khung cảnh này khiến tôi cảm thấy tồi tệ. Tôi thật sự rất buồn".

Shi Dianshou, nhà hoạt động môi trường 24 tuổi, lấy tay che mũi bên bờ sông Hạnh Phúc ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Shi Dianshou, nhà hoạt động môi trường 24 tuổi, lấy tay che mũi bên bờ sông Hạnh Phúc ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Guardian),

Shi là một trong số hàng trăm tình nguyện viên khắp Trung Quốc đang tìm kiếm những dòng sông mà chính phủ dán nhãn "đen và hôi thối". Trong khuôn khổ chiến dịch này, Bộ Môi trường Trung Quốc kêu gọi người dân chung tay phát hiện những nơi có dòng nước ô nhiễm nghiêm trọng, sau đó liệt kê thành một danh mục, tiến tới làm nguồn nước trong sạch trở lại. Tình nguyện viên có thể đăng địa điểm và hình ảnh con sông ô nhiễm lên tài khoản WeChat do Bộ điều hành.

Kể từ khi chiến dịch được phát động hồi tháng 2 năm nay, nhiều người dân Trung Quốc đã sử dụng điện thoại thông minh để xác định và nêu tên hơn 1.300 nơi ô nhiễm. Các địa chỉ được thêm vào danh sách đen trước đó đã gồm 1.850 cái tên ô nhiễm, Shi, người làm việc tại tổ chức phi chính phủ Environmentalists in Action tại Bắc Kinh, cho hay.

Shi đã góp tên 5 con sông vào danh sách này, hy vọng nỗ lực của mình sẽ gây áp lực tới chính quyền và thu hút sự chú ý tới những nguồn nước độc hại mà nhà chức trách không biết tới.

"Chúng tôi nghĩ nhiều dòng sông đen vẫn chưa được phát hiện hết", nhà hoạt động nói trong chuyến đi khảo sát dọc sông Hạnh phúc. "Chúng tôi muốn đưa những con sông như thế vào danh sách để chính quyền tìm cách xử lý".

Một chiếc ghế sofa đen chỏng chơ giữa con sông ô nhiễm.
Một chiếc ghế sofa đen chỏng chơ giữa con sông ô nhiễm. (Ảnh: Guardian).

Hàng thập kỷ công nghiệp hóa và đô thị hóa không kiểm soát đồng nghĩa với số lượng các con sông ô nhiễm tăng lên không ngừng tại Trung Quốc. Năm 2012, một quan chức cấp cao của Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc thừa nhận 40% nguồn nước sông tại Trung Quốc đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó 20% hoàn toàn độc hại.

Các nhà hoạt động bày tỏ hy vọng Bộ trưởng Môi trường Trần Cát Ninh sẽ cải thiện được tình trạng ô nhiễm nước nặng nề hiện nay.

Ông Trần từng theo học Cao đẳng Hoàng gia London, Anh, trong những năm 1990, bắt đầu giữ chức Bộ trưởng Môi trường đầu năm ngoái, Ông cam kết sẽ đương đầu với tình trạng ô nhiễm "chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người".

Trong vòng vài tháng, Bắc Kinh công bố một dự án lớn chống ô nhiễm có tên "Kế hoạch Làm sạch và Ngăn ngừa ô nhiễm nước", được cho là chặt chẽ nhất từ trước đến nay. Chiến dịch "Những dòng sông đen và hôi thối" là một phần của kế hoạch này với hy vọng làm sạch nguồn nước tại Trung Quốc.

Các nhà hoạt động môi trường đã dành nhiều bình luận tích cực cho kế hoạch, chỉ rõ đây là lần đầu chính phủ huy động trách nhiệm của những cư dân bình thường trong cuộc chiến chống ô nhiễm.

"Tôi rất vui khi chính phủ kêu gọi công dân tham gia chiến dịch", Deng Fei, nhà báo và nhà hoạt động môi trường, người biên soạn một bản đồ trực tuyến về những ngôi làng ung thư vì ô nhiễm tại Trung Quốc, nói.

Deng cũng triển khai một dự án tương tự vào năm 2013, kêu gọi người dùng Internet xác định 10 con sông bẩn nhất, nhưng phải bỏ giữa chừng sau khi hai đồng nghiệp của ông bị cảnh sát bắt giữ.

Với quan điểm thận trọng, Deng nhận định những vấn đề phức tạp và có hệ thống là nguyên nhân gây ô nhiễm nước không thể giải quyết ngay trong một đêm.

"Có thông tin không có nghĩa chúng ta sẽ xử lý ô nhiễm nhanh chóng", ông nói. "Tuy nhiên đây là bước đầu tiên và tôi tin rằng nếu có sự quyết tâm của chính phủ trong vấn đề ô nhiễm, chúng ta sẽ tiến tới bước thứ hai, thứ ba".

Quang cảnh ô nhiễm nặng nề trên dòng sông Hạnh Phúc. Rác thải ngập ngụa trong dòng nước tối màu.
Quang cảnh ô nhiễm nặng nề trên dòng sông Hạnh Phúc. Rác thải ngập ngụa trong dòng nước tối màu. (Ảnh: Guardian).

Một buổi sáng dọc theo dòng sông ngập rác đã cho thấy mức độ ô nhiễm lớn mà chiến dịch phải đương đầu, theo Guardian.

"Chúng tôi đã báo cáo tình trạng này cho cơ quan bảo vệ môi trường nhưng không thấy ai đến cả", Xing Wenhua, một nông dân 56 tuổi đang thu hoạch hành lá trên cánh đồng gần bờ sông Hạnh Phúc, than phiền.

Ông Xing đùa rằng dòng sông ô nhiễm kinh khủng tới mức khiến ông rụng hết tóc.

"Tôi phải ngửi mùi hôi xộc lên mỗi ngày và nó khiến tóc tôi ngừng mọc", người nông dân hói đầu vừa cười vừa nói. Ông cho biết con sông ô nhiễm nhanh chóng sau khi Trung Quốc mở cửa vào cuối thập niên 1970.

"Thật tốt nếu không khí và dòng sông trong sạch trở lại. Hồi còn nhỏ, chúng tôi vẫn thường uống nước sông".

Cập nhật: 30/06/2016 Theo VnExpress
  • 797