Những báu vật tuyệt đẹp, lạ lùng từ biển cát Erg Chech thuộc sa mạc Sahara có thể viết lại lịch sử của Hệ Mặt trời sơ khai.
Theo Space.com, vào tháng 5-2020, một số loại đá bất thường chứa các tinh thể màu xanh lục lạ lùng được tìm thấy giữa biển cát Erg Chech, thuộc địa phận Algeria, khiến giới khoa học bối rối. Chúng vừa được xác định là những báu vật vô song từ vũ trụ.
Để tìm hiểu nguồn gốc của chính mình, nhân loại luôn khao khát tìm ra những vật liệu thuộc về Hệ Mặt trời lúc bắt đầu hình thành.
Báu vật vũ trụ độc đáo rơi xuống sa mạc Sahara năm 2020 - (Ảnh: NATURE COMMUNICATIONS)
Những nỗ lực đó bao gồm các sứ mệnh tỉ đô như OSIRIS-Rex của NASA, chỉ để đem về vài trăm gam vật liệu từ tiểu hành tinh "già hơn Trái đất".
Một cách may mắn bất ngờ, các tảng đá rơi xuống Sahara, được xác định đều thuộc về một cơ thể mẹ lớn hơn gọi là thiên thạch Erg Chech 002, có thể có giá trị không kém cạnh.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications đã phân tích tích các đồng vị chì và uranium của Erg Chech 002, cho thấy nó có tuổi đời gần 4,566 tỉ năm.
Cũng theo kết quả đưa ra bởi nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi TS Evgenni Krestianinov từ Trường Khoa học Trái đất thuộc Đại học Quốc gia Úc (ANU), các tảng đá đính pha lê thực sự là báu vật với ngành khoa học hành tinh.
Vì chúng thuộc về những "tiền hành tinh" sơ khai của Hệ Mặt trời.
Tiền hành tinh là các vật thể có tính chất như những hành tinh sơ khai, kích thước nhỏ hơn các hành tinh ngày nay, là các hành tinh đầu tiên được sinh ra trong chiếc đĩa đá bụi quanh Mặt Trời non trẻ.
Theo các lý thuyết đã được củng cố bởi nhiều bằng chứng, các tiền hành tinh này va chạm với nhau, vỡ ra. Tuy nhiên, chúng không "chết" hẳn, mà các mảnh vụn sẽ tái hợp lại, hoài thai nên các hành tinh bao gồm Trái đất.
Một số nghiên cứu trước đây cho thấy ít nhất 4 hành tinh đá "phía trong" Hệ Mặt trời - sao Thủy, sao Kim, Trái đất, sao Hỏa - đã hình thành theo cách như thế.
Một số vật liệu vỡ ra từ các tiền hành tinh còn sót lại, không hòa vào cơ thể của các hành tinh hiện tại, tạo nên một nhóm thiên thạch gọi là "achondrites chưa được nhóm", tức chưa xác định được cụ thể loại vật thể tiền thân cũng như mối quan hệ nó với các vật thể sơ khai khác.
Kết cấu độc đáo của loại vật liệu sơ khai này ngoài việc giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách Trái đất được hình thành, còn là mảnh ghép quan trọng giúp tái tạo lại lịch sử ban đầu của Hệ Mặt trời.
Các phát hiện gần đây cho thấy đoạn lịch sử cổ xưa đó có thể phức tạp và nhiều biến động hơn nhiều so với các lý thuyết quen thuộc.