Điện thờ La Mã nguyên vẹn như mới dưới tro núi lửa 2.000 năm

  •  
  • 1.445

Điện thờ với những bức bích họa tươi mới, sống động như thật bị chôn vùi sau thảm họa phun trào, được tro núi lửa bảo vệ suốt 2.000 năm.

Điện thờ cổ đại giữ nguyên diện mạo suốt 2.000 năm được tìm thấy ở thành phố Pompeii đổ nát, Sun hôm 12/10 đưa tin. Khu vực điện thờ được bảo quản hoàn hảo nhờ tro núi lửa sau thảm họa phun trào năm 79 của núi Vesuvius, biến Pompeii thành phế tích và giết chết 16.000 người.

Điện thờ có tường sơn đỏ thẫm cùng nhiều bích họa mô tả khu vườn kỳ thú với chim muông, cây cối và các loài rắn. Nhóm khảo cổ nhận xét điện thờ có tên gọi lararium này rất đặc biệt. Họ đang khai quật tàn tích để tìm hiểu nhiều hơn về những người sử dụng công trình.

Con chim công được vẽ sát chân tường để tạo cảm giác như đang đi trên mặt đất.
Con chim công được vẽ sát chân tường để tạo cảm giác như đang đi trên mặt đất. (Ảnh: AP).

Ở thời La Mã cổ đại, lararium là khu vực điện thờ ở lối vào nhà của người giàu, nơi họ dâng đồ cúng tế và cầu nguyện trước các vị thần. Massimo Osanna, người chỉ đạo khai quật ở di tích khảo cổ Pompeii, nhấn mạnh phát hiện là "căn phòng kỳ diệu và bí ẩn cần nghiên cứu lâu dài". Căn phòng xây liền với tường của một ngôi nhà nhỏ và có nhiều tranh vẽ các vị thần La Mã hay được thờ cúng tại gia.

Tranh vẽ động vật trong khu vườn kỳ thú tuân theo phong cách minh họa đặc trưng ở thời La Mã, trong đó con công được vẽ dọc chân tường để tạo cảm tưởng nó đang bước đi trong khu vườn thực sự. Một bức bích họa vẽ người đàn ông đầu chó, có thể là phiên bản La Mã của thần Anubis ở Ai Cập.

Điện thờ rất phổ biến trong các gia đình La Mã, theo giáo sư Ingrid Rowland, nhà sử học ở Đại học Notre Dame. "Mỗi ngôi nhà có latarium, nhưng chỉ những người giàu có nhất có thể xây lararium bên trong một căn phòng đặc biệt trang trí xa hoa", Rowland nói.

Theo Osanna, điện thờ này đặc biệt không chỉ bởi trang trí đẹp mắt ở bích họa trên tường mà còn do công trình được bảo quản cực tốt. "Những bức tranh nằm rải rác trong khu vực được bảo quản bởi tro núi lửa sau vụ phun trào của núi Vesuvius vào năm 79. Lớp đá và tro dày phun ra trong thảm họa kéo dài hai ngày ngăn ánh sáng Mặt Trời và nước tiếp xúc với đồ tạo tác bên dưới trong gần hai thiên niên kỷ", Osanna cho biết.

Cập nhật: 15/10/2018 Theo VNE
  • 1.445