Bẫy tử thần có thể dụ hàng nghìn ong bắp cày sát thủ

  •  
  • 281

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Current Biology cho thấy ong bắp cày khổng lồ có thể bị pheromone tình dục dụ vào bẫy để tiêu diệt.

Với tên khoa học Vespa mandarinia, ong bắp cày khổng lồ là một loài xâm lấn ở Bắc Mỹ và có nguồn gốc từ châu Á. Đây là loài côn trùng nổi tiếng với biệt danh "ong sát thủ" bởi nọc độc và sự hung dữ.

 Những con ong bắp cày có thể bị lừa vào bẫy tình dục
Những con ong bắp cày có thể bị lừa vào bẫy tình dục - (Ảnh: AP)

Ong bắp cày khổng lồ có thể lớn tới 5,5cm, được xem là loài ong lớn nhất và nguy hiểm nhất thế giới. Theo nghiên cứu, nọc độc của chúng tấn công vào hệ thần kinh và đe dọa tính mạng của nạn nhân nếu họ không được điều trị kịp thời sau khi bị đốt.

Thậm chí loài ong khổng lồ này còn ăn thịt cả những con ong bắp cày nhỏ khác, nên chúng còn bị gọi là ong diệt chủng.

Trong khi ong châu Á đã thích nghi để tự bảo vệ mình khỏi ong bắp cày săn mồi, ong Bắc Mỹ lại bị chúng tiêu diệt. Những con ong bắp cày khổng lồ đã tàn phá quần thể ong ở Mỹ.

Người ta ước tính, tại Mỹ, những con ong bắp cày khổng lồ gây hại hơn 100 triệu USD cho sản lượng cây trồng do ong thụ phấn hằng năm, theo Đài CNN .

Tác giả nghiên cứu James Nieh, giáo sư và phó chủ nhiệm khoa sinh học tại Đại học California San Diego (Mỹ), cho biết nhóm của ông đã tạo ra một loạt bẫy sử dụng pheromone tình dục để thu hút ong bắp cày đực.

Theo ông Nieh, pheromone là chất hóa học được sản xuất để truyền tải thông tin giới tính trong một loài.

Mỗi chiếc bẫy đều được trang bị một con ong bắp cày cái giả có bôi pheromone tình dục để thu hút con đực. Ong bắp cày đực sẽ bị pheromone tình dục của ong bắp cày cái thu hút.

Ông Nieh giải thích thêm: "Ong bắp cày đực sẽ bị thu hút và bay quanh các bẫy, nhưng không con nào đáp xuống nếu không có thứ gì ở đó trông giống ong bắp cày cái".

Sau khi đặt bẫy gần các khu vực của ong bắp cày ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), các nhà nghiên cứu nhận thấy thành phần pheromone tương đương với pheromone tình dục của ong chúa có sự thu hút ong bắp cày đực mạnh nhất.

Loại pheromone tình dục nhân tạo này được làm từ: axit hexanoic, axit octanoic và axit decanoic, nghiên cứu cho biết.

Loại bẫy có pheromone tình dục bắt ong bắp cày nhiều gấp 16 lần so với bẫy không có pheromone.

Ông Nieh cũng cho biết sau khi đặt bẫy ra ngoài trong một ngày, các nhà khoa học đã có thể bắt được hàng nghìn con ong bắp cày.

Tuy nhiên, ông Allen Gibbs, giáo sư tại khoa khoa học đời sống tại Đại học Nevada, Las Vegas, cho biết: Mặc dù đây là một phương pháp hiệu quả để bắt một số lượng lớn ong bắp cày khổng lồ trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng nó chưa phải là một hệ thống lý tưởng.

Theo ông Gibbs, phương pháp này chỉ lừa giết những con đực, những con cái vẫn tự do bay đi và bắt đầu tạo ra một đàn ong mới.

Ngoài ra, ong bắp cày chỉ giao phối trong vài tháng vào mùa thu, vì vậy phương pháp bẫy chỉ có thể được thực hiện trong thời gian đó.

Cập nhật: 21/03/2022 Theo Tuổi Trẻ
  • 281