Loại virus có khả năng lây nhiễm cao và tốc độ nhanh khi trời rét

  •  
  • 183

Trong thời tiết lạnh, khắc nghiệt, tế bào đường hô hấp của chúng ta dễ bị tổn thương kéo theo nguy cơ cao mắc bệnh cúm mùa.

Miền Bắc đang bước vào đợt rét hại hiếm gặp với mức nhiệt thấp nhấp là 4-7 độ C, có nơi xuống dưới 0 độ C. Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS) Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo nhiệt độ thấp, cộng thêm khả năng đề kháng của cơ thể bị suy giảm, là điều kiện thuận lợi để vi trùng, virus, nấm mốc, ký sinh trùng…, phát triển. Do đó, người dân đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em dễ mắc bệnh hơn các mùa khác, trong đó, đáng lưu ý nhất là bệnh cúm mùa.

Theo PGS Nga, virus cúm được chia thành 3 loại là A, B và C. Virus cúm A có khả năng lây nhiễm ở các loài động vật có vú, 2 loại còn lại chỉ gây bệnh ở người.

"Bệnh cúm có khả năng lây nhiễm cao và tốc độ nhanh, từ đó tạo ra dịch và đại dịch", PGS Nga khẳng định.

Virus cúm lây lan qua đường hô hấp, không khí hay các giọt bắn như nước bọt, dịch tiết mũi họng của bệnh nhân khi ho hoặc hắt hơi. Tay người tiếp xúc vật chứa virus khi đưa vào miệng, mũi, mắt cũng làm làm lây truyền virus. Tỷ lệ lan truyền của virus cao hơn khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết ở nơi đông người như trường học, nhà trẻ...

Nguy cơ cúm mùa trong đợt rét kỷ lục sẽ gia tăng.
Nguy cơ cúm mùa trong đợt rét kỷ lục sẽ gia tăng. (Ảnh minh họa: Integris).

PGS Nga cho biết: "Nguyên nhân của tình trạng này là trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm, tế bào đường hô hấp dễ bị tổn thương, tăng tính cảm nhiễm với bệnh".

Hiện hầu hết bệnh nhân cúm chỉ cần điều trị triệu chứng. Cơ thể sẽ loại trừ virus trong vài ngày. Đặc biệt, kháng sinh không có tác dụng diệt virus.

Trong những năm qua, 4 loại thuốc thường được sử dụng để điều trị cúm là amantadine, rimantadine, zanamivir và oseltamivir. Nếu được uống trước hoặc trong 2 ngày đầu bị bệnh, các loại thuốc này có khả năng phòng lây nhiễm và giảm số ngày mắc.

Cúm cũng có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm cho các đối tượng đặc thù có hệ miễn dịch suy giảm và dễ bị bội nhiễm vi khuẩn như: Người già, người có bệnh nền, những người đang điều trị hóa chất, phụ nữ mang thai và trẻ em.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định hiện tiêm phòng vaccine là biện pháp chủ yếu để phòng bệnh cúm cũng như giảm ảnh hưởng của dịch.

"Nhiều loại vaccine cúm đã được sử dụng trong hơn 60 năm qua. Các vaccine cúm an toàn, có hiệu quả trong việc phòng một số thể nhẹ và nặng của cúm với tỷ lệ bảo vệ tương đối cao (70-90%). Ở người già, vaccine cúm làm giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh và 70-80% tỷ lệ tử vong liên quan cúm", ông cho hay.

Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine cúm vẫn phụ thuộc tuổi tiêm, khả năng đáp ứng miễn dịch của người được tiêm, độ giống của thành phần virus trong vaccine và các loại virus đang lưu hành.

Ngoài ra, PGS Nga cho rằng cơ quan lãnh đạo cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục người dân, nhân viên y tế về vệ sinh cá nhân, đường lây truyền của virus.

Ông khuyến cáo: "Mọi người cần thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn, tránh tiếp xúc gần người bệnh, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, công sở, trường học, bệnh viện để hạn chế nguy cơ mắc bệnh và lây lan virus".

Cập nhật: 05/01/2021 Theo Zing
  • 183