Bệnh nhân mạch vành nên tập đi bộ nhanh

  •  
  • 622

Những người có bệnh mạch vành cần tập các môn rèn luyện sức bền nhằm cải thiện chức năng tim và sự cung cấp máu cho cơ quan này. Đi bộ nhanh được coi là môn thể thao lý tưởng với họ.

Bệnh mạch vành (mạch máu nuôi dưỡng cơ tim) xuất hiện do các mảng xơ vữa gây chít hẹp lòng mạch, kết quả là cơ tim không được cung cấp đủ ôxy và dinh dưỡng. Các nhà tim mạch hàng đầu thế giới khẳng định, tập luyện thể dục thể thao là một trong những phương pháp chữa bệnh hữu hiệu không dùng thuốc.

Việc rèn luyện sức bền giúp nâng cao chức năng co bóp của tim, cải thiện sự hấp thụ ôxy của cơ tim và sử dụng ôxy tiết kiệm hơn. Ngoài ra, các bài tập rèn sức bền còn kích thích sự phát triển tuần hoàn bàng hệ của cơ tim, cải thiện cung cấp máu cho cơ tim. Tập luyện thường xuyên sẽ làm giảm tần số mạch nói chung và giảm tần số mạch khi thực hiện bài tập, điều này cho phép người bệnh nâng được ngưỡng đau khi thực hiện các công việc trong cuộc sống thường ngày.

Đi bộ nhanh và chạy sức khỏe làm giảm huyết áp ở bệnh nhân có biểu hiện tăng huyết áp (độ 1, 2) - một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của bệnh. Hoạt động này làm giãn và tăng tính đàn hồi của mạch máu trong các cơ hoạt động, giảm sức cản máu ngoại biên, kết quả là giảm huyết áp. Nhưng cần phải nhớ rằng, phải qua 3-4 tháng tập luyện thường xuyên, huyết áp mới bắt đầu hạ xuống và sau 2-3 năm tập luyện thường xuyên, huyết áp mới trở về bình thường.

Việc tập các bài tập rèn sức bền thường xuyên còn có hiệu quả giảm cân, điều hòa lượng mỡ máu, như giảm lượng cholesterol, triglycerid và tăng lượng lipoprpoen có trọng lượng phân tử cao (HDL), giảm vữa xơ động mạch, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Chương trình tập luyện mang tính cá nhân, phụ thuộc vào mức độ bệnh, dấu hiệu suy tuần hoàn, mức độ tăng huyết áp và các yếu tố khác. Ở các bệnh nhân có chứng đau thắt ngực, phải xác định giai đoạn của bệnh. Không được tập nếu bị đau thắt ngực không ổn định (cơn đau xuất hiện cả trong trạng thái yên tĩnh), nhồi máu cơ tim cấp, suy tuần hoàn độ 2-3 hay huyết áp tăng trên 180/100 mmHg.

Trước khi thực hiện chương trình luyện tập, người bệnh phải được xác định liều lượng tập bằng nghiệm pháp lao động định mức trên xe đạp lực kế (tiến hành trong bệnh viện). Tần số mạch trong lúc đi bộ hay chạy cần phải thấp hơn mức gây ra cơn đau ngực, khó thở, hay đánh trống ngực là 10-12 nhịp/phút. Ví dụ: nếu trên xe đạp lực kế thấy xuất hiện cơn đau ngực khi tần số mạch đạt 125 nhịp/phút thì khi thực hiện bài tập, người bệnh phải khống chế tốc độ để tần số mạch không vượt quá 110-115 nhịp/phút.

Hiệu quả phụ thuộc nhiều vào tốc độ thực hiện bài tập. Để tăng thêm tốc độ đi bộ hoặc chạy thì trước khi tập, người bệnh cần uống nitroglycerin, hiệu quả giảm đau của nitroglycerin kéo dài 30 phút, đủ để tiến hành một buổi tập.

Trong các bài tập rèn sức bền thì đi bộ nhanh là phương pháp phù hợp nhất đối với bệnh nhân mạch vành vì cường độ vận động không lớn và dễ điều chỉnh liều vận động. Giai đoạn đầu, 8-12 tuần, tập đi bộ nhanh, sau đó tùy theo trạng thái sức khỏe có thể chuyển sang tập luân phiên giữa đi bộ nhanh và chạy bước nhỏ. Thời gian luyện tập là 20-30 phút/buổi, 5-6 buổi/tuần, hay thậm chí thời gian mỗi buổi tập khoảng 20 phút cũng đã cải thiện được tình trạng sức khỏe nói chung của bệnh nhân.

Nếu trong luyện tập xuất hiện cảm giác nặng ở ngực, đánh trống ngực, khó thở, mệt mỏi hay chóng mặt thì phải giảm tốc độ vận động hoặc ngừng tập. Nếu xuất hiện biểu hiện của cơn đau thắt ngực thì phải ngừng tập và dùng ngay nitroglycerin.

Bệnh nhân có thể tham gia tập trong các nhóm có tổ chức hay tập tại nhà theo một chương trình cá nhân. Chương trình phải do các chuyên gia về thể dục chữa bệnh kết hợp với bác sĩ điều trị xây dựng. Nếu có điều kiện, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên ngành y học thể thao.

TS Đặng Quốc Nam, Sức Khỏe & Đời Sống

  • 622