Thiên niên kỷ thứ hai trước công nguyên. Các nền văn minh phát triển khắp khu vực đông Địa Trung Hải. Vương quốc mới Ai Cập cùng tồn tại với nền văn minh Hittite ở khu vực miền trung Tiểu Á (một bán đảo còn có tên Anatolia), nền văn minh Mycenaean của Hy Lạp cũng như vô số nền văn minh khác.
Tuy nhiên, chỉ trong hơn một thế hệ, tất cả đã sụp đổ. Nguyên nhân không phải là biến đổi khí hậu, động đất cũng như bất ổn xã hội. Các nhà khảo cổ học vừa tuyên bố đã tìm được mảnh ghép cuối cùng để giải thích cho sự sụp đổ của các nền văn minh trong giai đoạn mà họ gọi là "Đại chiến Thế giới lần 0".
Eberhard Zangger thuộc Tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Nghiên cứu Luwian ở Zurich, Thụy Sỹ tuyên bố tổ chức này đã tìm ra được mảnh ghép quan trọng đó. Đó là một nền văn minh hùng mạnh ở tây Anatolia bị giới khảo cổ học bỏ qua bấy lâu nay.
Xung đột giữa người thắng trận trở về với cấp phó.
Khảo sát của Tổ chức Nghiên cứu Luwian cho thấy khu vực tây Anatolia cực kỳ giàu khoáng sản và quặng kim loại. Điều đó có nghĩa là khu vực này rất quan trọng vào thời cổ xưa. Thông qua nghiên cứu các hình ảnh vệ tinh, ông Zangger đã phát hiện ra khu vực đó rất đông người sinh sống ở giai đoạn cuối thời kỳ Đồ Đồng (Bronze Age). Vậy nhưng tới nay, chỉ có một vài trong số 340 khu vực rộng lớn giống như thành thị được khai quật.
Tài liệu của người Hittite có nhắc đến một số vương quốc nhỏ ở tây Anatolia nói cùng một thứ ngôn ngữ là tiếng Luwian. Theo ông Zangger, điều đó có nghĩa là chúng ta có thể coi họ là những người cùng thuộc nền văn minh Luwian. Không lâu sau khi nền văn minh Hittite sụp đổ, tài liệu của người Ai Cập ghi lại về một lực lượng tấn công mà họ gọi là "Người Biển".
Kết hợp hai thông tin trên, ông Zangger cho rằng "Người Biển" chính là người Luwian - nền văn minh đã tham gia cuộc chiến giữa các nền văn minh mà giới khảo cổ học gọi là "Đại chiến Thế giới lần 0".
Theo giả thiết mới về người Luwian của Tổ chức Nghiên cứu Luwian, một kịch bản đã được đưa ra để giải thích cho sự suy tàn của thời kỳ Đồ Đồng quanh thời điểm năm 1200 trước Công nguyên. Trong đó, nhiều vương quốc nhỏ nói tiếng Luwian cùng nhau hợp thành một liên minh để tấn công đế quốc Hittite láng giềng. Sau khi tiêu diệt đế quốc Hittite, người Luwian thống trị một lãnh thổ rộng lớn từ bắc Hy Lạp tới Lebanon.
Trong thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên, những người nói tiếng Luwian sống khắp vùng Tiểu Á. Họ là đối tác buôn bán của nhau, có lúc lại là kẻ thù của các nền văn minh nổi tiếng như Minoan, Mycenaean thuộc Hy Lạp và Hittite thuộc Tiểu Á.
Thế giới hiện đại biết đến "Người Biển" nói trên thông qua các văn bản từ Anatolia, Syria và Ai Cập. Tuy nhiên, cái tên "Người Biển" là một từ do nhà Ai Cập học người Pháp Gaston Masspero đề cập năm 1881. Các chữ viết Ai Cập thường nhắc tới tên của các bộ tộc tấn công thình lình xuất hiện "từ giữa biển" và "từ đất liền". Họ gồm các bộ tộc riêng rẽ phối hợp thành một liên minh quân sự để tấn công Ai Cập và vùng Cận Đông.
Chi tiết về "Người Biển" được khắc họa trên các bức tường đền thờ Pharaoh Ramses II ở Medinat Habu gần Luxor (Ai Cập) ngày nay. Thông qua đó, người ta biết họ trông như thế nào, ăn mặc ra sao, dùng vũ khí gì, đi tàu gì.
Theo các chữ khắc này, "Người Biển" lần đầu tiên xuất hiện vào khoảng năm 1208 trước Công nguyên, năm thứ 5 trị vì của Pharaoh Merenptah. Tại thời điểm này, Ai Cập đang đối mặt với các cuộc tấn công từ Libya - kẻ thù ở phía tây đang tiến gần đến biên giới cùng một số đồng minh được gọi là người phương Bắc.
Trên một tấm bia chiến thắng nổi tiếng được phát hiện năm 1896 tại đền Merenptah ở Thebes, Pharaoh Merenptah tuyên bố ông đã đánh bại được kẻ thù và đưa ra một danh sách các đồng minh của Libya - những người mà ta gọi là "Người Biển": Shardana, Lukka, Meshwesh, Teresh, Ekwesh và Shekelesh. Phần lớn các bộ tộc này dường như đến từ Aegean và hiện vẫn chưa rõ tại sao họ lại về cùng phe với Libya. Cũng chưa rõ liệu tuyên bố đánh bại kẻ thù của Pharaoh Merenptah có chính xác hay không vì sau trận chiến này, Ai Cập gần như rơi vào nội chiến.
30 năm sau cuộc chạm trán giữa Pharaoh Merenptah và "Người Biển", khoảng năm 1177 trước công nguyên, Pharaoh Ramses ra lệnh xây dựng đền thờ và dinh thự riêng ở Thebes. Kiến trúc và chữ khắc trên tường nhắc lại những sự kiện lớn của những thập kỷ trước đó. Theo đó, "Người Biển" đã trở lại, lần này là để tấn công bờ biển Địa Trung Hải.
Các vương quốc nhỏ (chấm tròn nhỏ) nói tiếng Luwian hợp lực chống lại đế chế Hittite (chấm tròn to).
Các dòng chữ mô tả như sau: Các quốc gia nước ngoài đã ủ mưu ở vùng đất của họ. Các nơi họ tới đồng loạt rung chuyển, tan tác trong chiến tranh. Không nước nào có thể trụ vững trước vũ khí của họ. Hatti, Kizzuwatna, Carchemish, Arzawa và Alasiya bị cắt đứt. Họ tiêu diệt người dân và vùng đất như thể chưa có gì từng tồn tại. Họ tiến về Ai Cập khi mà ngọn lửa đã được chuẩn bị sẵn. Liên minh của họ là Peleset, Tjeker, Shekelesh, Denyen và Weshesh. Họ đặt bàn tay lên mảnh đất này với trái tim tràn đầy tự tin rằng "Kế hoạch của chúng ta sẽ thành công".
Tuy nhiên, Pharaoh Ramses và binh lính đã đánh bại những người xâm lược. Khi kẻ bại trận cầu xin tha tội, vị Pharaoh cho phép họ định cư trên mảnh đất của mình. Lời của Pharaoh Ramses được ghi như sau: "Ta giết chết người Denyen trên các đảo, người Tjeker và Peleset bị biến thành tro bụi. Người Shardana và Weshesh đến từ biển bị bắt làm tù binh của Ai Cập. Ta cho họ định cư ở thành trì của mình. Họ có hàng trăm nghìn người. Hàng năm, ta đánh thuế họ tất cả mọi thứ dưới dạng vải vóc, ngũ cốc".
Vào thời điểm "Người Biển" tấn công Ai Cập lần thứ hai, phần lớn khu vực được đề cập trong các dòng chữ ở Medinat Habu đều bị chiếm đóng hoặc là đồng minh của vương quốc Hittite ở trung Anatolia. Do đó, mục đích của các cuộc đột kích có thể là nhằm làm suy yếu Đại đế Hatti ở vòng ngoài bằng cách tấn công đồng minh của ông. Theo các thông tin liên lạc hoàng gia từ Ugarit và Cyprus, các hạm đội của "Người Biển" đã đổ bộ vào mũi tây nam của bán đảo Anatolia. Từ đây, họ tấn công bờ biển phía tây của Cyprus đầu tiên.
Tuy nhiên, các trận chiến giáp lá cà giữa "Người Biển" và binh sĩ Hittite cũng đã diễn ra trong cả đất liền Anatolia. Vua Hatti đã phải nhờ các chư hầu ở thành phố cảng Ugarit ở bắc Syria để đề nghị hỗ trợ thêm binh sĩ và lương thực. Tuy nhiên, bản thân Ugarit cũng đã bị "Người Biển" đe dọa.
Trong lúc tuyệt vọng tìm người hỗ trợ, ông vua ở tuổi thiếu niên của Ugarit đã viết cho vua Cyprus: "Tàu quân địch đã ở đây. Họ đã đốt các thành phố của tôi và đã gây tổn hại rất lớn cho đất nước tôi… Ngài không biết rằng mọi binh sĩ của tôi đều đồn trú ở Hittete, rằng mọi tàu của tôi vẫn neo đậu ở Lycia và chưa quay về sao? Do đó, đất nước đang bị bỏ mặc. Hãy cân nhắc điều này, có 7 tàu địch đã tới và gây tổn hại rất lớn. Bây giờ, trong trường hợp có thêm tàu địch nữa, hãy cho tôi biết để tôi có thể quyết định phải làm gì".
Bức thư này không bao giờ rời Ugarit. Các nhà khảo cổ tìm thấy nó trong một cái lò - nơi mà Vua Ugarit định đốt trước khi người đưa thư mang đi. Đang ở đỉnh cao phát triển kinh tế và văn hóa, không có dấu hiệu suy thoái, vậy mà Ugarit đã bị quét sạch, không bao giờ có thể tái lập được nữa.
Lúc này, áp lực với Đại đế Hatti dâng cao. Ông đã chỉ huy binh lính phản công kẻ thù. Tuy nhiên, sau đó, lực lượng địch lại tới được thủ đô Hattusa của Hittite, hủy diệt hoàn toàn nền văn minh 600 năm tuổi này.
Những đặc điểm hủy diệt tương tự cũng xuất hiện ở phần lớn các thành phố bị "Người Biển" tấn công. Họ nhằm vào các tòa nhà chính quyền, cung điện, đền đài, nhưng không phá hủy khu dân cư và vùng nông thôn. "Người Biển" chỉ nhằm vào các trung tâm kiểm soát quyền lực để bảo toàn sức mạnh và rút ngắn cuộc chiến. Sau Hattusa và Ugarit, nhiều thành phố khác ở Anatolia, Syria và Palestine đã thất thủ trước "Người Biển".
Khi Đại đế Hatti bị tiêu diệt, "Người Biển" đột nhiên trở thành chủ một khu vực rộng lớn trải dài từ Aegean tới Palestine. Sau này, họ bị suy yếu bởi tranh giành nội bộ và không còn đủ sức mạnh chống chọi với kẻ thù. Chỉ còn một nước đủ hùng mạnh để chiến đấu với các đồng minh Anatolia, đó là nền văn minh Mycenae của Hy Lạp.
Mặc dù Hy Lạp không bị tấn công nhưng rõ ràng nước này đang đối mặt với một tương lai khó khăn với một láng giềng hùng mạnh như Anatolia. Sau nhiều thời gian chuẩn bị, một đội quân Hy Lạp đã lâm trận, định tấn công các trung tâm thành phố. Khi người Anatolia đang bận rộn ở Cận Đông và Ai Cập, binh sĩ Hy Lạp đã càn quét trung tâm Anatolia, buộc người Anatolia rút về để bảo vệ thành trì.
Cuối cùng, hai đội quân đối đầu nhau ở Troy thuộc Anatolia - trận chiến quyết định kết quả cuộc chiến vô tiền khoáng hậu. Trận chiến ở Troy diễn ra khoảng năm 1186 trước Công nguyên và kéo dài vài tháng. Troy thất thủ. Nền văn minh Mycenae của Hy Lạp chiến thắng.
Tuy nhiên, sau chiến tranh, không có ai thực sự là người chiến thắng. Nhiều nhà quý tộc Hy Lạp nổi tiếng đã mất mạng. Những người còn sống chật vật đòi lại quyền lãnh đạo từ cấp phó khi trở về. Quân đội thắng trận đã kiệt sức, không thể lấy lại những gì đã bị chiếm ở nhà sau khi trở về trong chiến thắng. Nội chiến bùng phát. Nền văn minh Mycenae bị xé nát.
Các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Nghiên cứu Luwian cho rằng kịch bản nói trên có thể giải thích tại sao giai đoạn cuối của thời kỳ Đồ Đồng đột ngột chấm dứt. Tuy nhiên, không phải nhà khảo cổ học nào cũng tin ngay vào khái niệm nền văn minh Luwian.
Ông Christoph Bachhuber thuộc Đại học Oxford nói: "Các nhà khảo cổ học sẽ cần phát hiện các mẫu nghệ thuật đền đài và kiến trúc tương tự khắp miền tây Anatolia và các chữ viết từ những khu vực này để xác minh tính chính xác tuyên bố của ông Zangger về một nền văn minh". Khái niệm "Đại chiến Thế giới lần 0" cũng gây tranh cãi. Phần lớn nhà khảo cổ học sẽ tranh luận về việc sử dụng thuật ngữ này khi chỉ cuộc xung đột quốc tế thời xưa.