Bí ẩn loài vật bé nhỏ có thể sống tới 100 tuổi, ăn không quá 10 lần

  •  
  • 1.050

Loài vật bé nhỏ này có thể sống tới 100 tuổi mà không cần ăn quá nhiều lần. Bí mật nằm ở đâu?

Loài vật kỳ lạ có khả năng sinh tồn phi thường này chính là manh giông (tên khoa học là proteus anguinus). Đây là một loài kỳ giông hiếm gặp sống hoàn toàn ở dưới nước. Chúng mang biệt danh là "cá người" vì có màu da nhạt. Manh giông là loài động vật có xương sống ở trong hang động duy nhất được tìm thấy ở châu Âu.

Theo các chuyên gia, manh giông có cả mang và phổi. Loài vật này có thể dài gần 45 cm và sống đến 100 năm. Manh giông thường ăn tôm, ốc sên và các loài vật nhỏ khác ở dưới nước. Chúng tìm mồi nhờ một lớp màng đặc biệt ở trong tai. Lớp màng này có khả năng phát hiện được các rung động nhỏ nhất trong nước.

Manh giông là loài vật bé nhỏ có khả năng sống tới 100 tuổi.
Manh giông là loài vật bé nhỏ có khả năng sống tới 100 tuổi. (Ảnh: Getty Images).

Manh giông là loài lưỡng cư hoàn toàn sống ở dưới nước. Chúng ăn, ngủ và sinh sản ở dưới nước mà không cần tới ánh sáng mặt trời. Chính lối sống trong bóng tối dẫn tới việc mắt của chúng không phát triển và gần như bị mù. Nhưng bù lại, nhờ có khứu giác và vị giác nhạy bén giúp manh giông có thể dễ dàng di chuyển trong bóng tối.

Loài vật kỳ lạ "lười" di chuyển, 10 năm ăn một lần

Manh giông là loài vật không cần ăn thường xuyên. Khi nguồn thức ăn trở nên khan hiếm, chúng sẽ trao đổi chất chậm lại. Cụ thể, các con manh giông có thể tồn tại tới 10 năm chỉ với một bữa ăn.

Do sống trong hang sâu, xung quanh toàn bóng tối nên manh giông cũng không cần di chuyển nhiều để trốn chạy vì chúng có ít kẻ thù.

Trên thực tế, manh giông chỉ có một kẻ thù tự nhiên. Đó là ánh sáng ban ngày. Do đó, việc rời khỏi hang động và tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài sẽ khiến làn da nhạy cảm của loài vật này bị thiêu cháy.

Manh giông là loài vật có khứu giác nhạy bén nhưng chúng rất "lười" di chuyển
Manh giông là loài vật có khứu giác nhạy bén nhưng chúng rất "lười" di chuyển. (Ảnh: Newscientist).

Loài vật này thường không sống tập trung đông theo đàn. Dù có khứu giác rất tốt nhưng loài vật này gần như bị mù và sống hoàn toàn trong bóng tối dưới lòng đất và dưới nước.

Trước đó, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Zoology hồi tháng 1/2020, hầu hết các nghiên cứu về manh giông đều ở trong phòng thí nghiệm, nên thiếu dữ liệu sinh thái từ quần thể tự nhiên trong môi trường sống của chúng. Các chuyên gia nhận định, việc nghiên cứu về loài vật này có thể giúp theo dõi các tác động của con người tới hệ sinh thái hang động ngập nước.

Ngoài ra, việc hoạt động sinh sản thưa thớt cùng với nơi ở đặc biệt khiến manh giông là loài vật dễ bị tổn thương và đồng thời là chỉ dẫn sinh học cực nhạy về những hoạt động làm thay đổi môi trường sống của con người.

Tiến sĩ Gergely Balázs tại ĐH Eötvös Loránd ở Budapest, Hungary, cho biết, mặc dù là một loài vật đặc biệt, nhưng manh giông chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhất là ở bên ngoài phòng thí nghiệm.

Kể từ năm 2010, nhóm nghiên cứu của vị chuyên gia này đã theo đuổi một công trình kỳ công về manh giông. Theo đó, tại quần thể trong hang động Vruljak 1, thuộc miền đông Herzegovina (Nam Âu), nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh dấu theo từng đợt tổng cộng có khoảng 40 cá thể manh giông. Các nhà nghiên cứu đã ghi chép quãng đường di chuyển của các con manh giông trong những giai đoạn khác nhau.

Kết quả, sau hơn một thập kỷ, nhóm nghiên cứu phát hiện phần lớn các cá thể manh giông có xu hướng di chuyển dưới 10 m. Một số cá thể có thể đi quá 10 m. Tuy nhiên, có một cá thể lười di chuyển đến mức chỉ ở đúng một chỗ trong suốt thời gian 2.569 ngày, khoảng hơn 7 năm.

TS Gergely Balázs chia sẻ: "Chúng chỉ ở quanh quẩn và hầu như không làm gì cả".

Vị chuyên gia này cho biết thêm, manh giông chỉ bị buộc phải di chuyển để thực hiện giao phối khoảng 12,5 năm một lần. Điều này cũng là minh chứng cho thấy lối sống "lười" vận động của loài vật này.

Nghiên cứu này giúp các nhà khoa học có thêm bằng chứng về quá trình tiến hóa của những loài động vật mà  Charles Darwin đã viết.

Cập nhật: 11/09/2023 PNVN
  • 1.050