Bí ẩn ly kỳ về cái chết của hoàng đế Ung Chính - vị vua nhiều bí mật nhất lịch sử Trung Quốc

  •  
  • 4.011

Không chỉ việc lên ngôi để lại biết bao bí ẩn mà nguyên nhân khiến hoàng đế Ung Chính băng hà đến nay vẫn tồn tại nhiều giả thuyết trái chiều.

Hoàng đế Ung Chính (1677-1735) là con trai thứ 4 của Khang Hi đế và là vị vua thứ 5 của vương triều Đại Thanh trong lịch sử Trung Hoa. Ông nắm quyền cai trị đất nước từ năm 1722 đến 1735. Trong hơn 10 năm trị vì, Ung Chính đã có công lao lớn trong việc cơ cấu lại triều đình và đưa ra nhiều cải cách được người đời ca tụng. Đặc biệt ông được biết đến là vị hoàng đế siêng năng, cần kiệm và mạnh tay trong việc chống tham nhũng. Ông thường dành nhiều thời gian cho việc đọc và giải quyết các tấu chương. Ông căm ghét tham nhũng và trừng phạt nghiêm khắc nếu phát hiện quan viên vi phạm.

Thế nhưng ngoài những công lao trên, Ung Chính còn được xem là một trong những vị vua sở hữu nhiều bí mật nhất trong lịch sử, một trong số đó là nguyên nhân cái chết của ông.

Chân dung hoàng đế Ung Chính.
Chân dung hoàng đế Ung Chính. (Ảnh: Baidu).

Liên quan đến việc này, Ung Chính triều khởi cư chú sách có ghi lại tình trạng của Ung Chính trước khi qua đời như sau: Ngày 18/8 năm Ung Chính thứ 13 (1735), vua cùng đại thần bàn về việc chỉnh lý vấn đề dân tộc thiểu số. Ngày 20, vua triệu kiến các quan địa phương ở Ninh Cổ Tháp.

Ngày 21, vua vẫn làm việc bình thường, chứng tỏ sức khỏe của ông vẫn còn tốt. Nhưng ngày 22, Ung Chính phát bệnh. Tối cùng ngày, khi các đại thần được triệu tập cấp tốc vào cung thì Ung Chính đã rất mệt, tuyên chỉ truyền ngôi cho Càn Long. Sáng hôm sau, vua qua đời, tình trạng lúc chết là “thất khổng lưu huyết” (7 lỗ trên cơ thể gồm mắt, mũi, miệng, tai, hậu môn đều xuất huyết).

Do vua Ung Chính qua đời đột ngột, các nguồn sử liệu chính thống không lưu lại bất kỳ ghi chép chi tiết nào nên trong dân gian lưu truyền rất nhiều truyền thuyết về sự kiện này. Trong đó câu chuyện được lưu truyền rộng rãi nhất là việc nữ thích khách Lã Tứ Nương hành thích Ung Chính để báo thù. Nguyên nhân sâu xa của sự việc bắt nguồn từ một bản án đẫm máu của gia tộc họ Lã.

Năm xưa Ung Chính từng ra lệnh xử chém Lã Lưu Lương (ông nội của Lữ Tứ Nương) và hạ lệnh tru di nhà họ Lã vì “văn tự ngục” (tên chung dùng để chỉ những vụ án do chữ nghĩa mà ra). Cả gia tộc họ Lã chỉ có mình Lã Tứ Nương, khi đó mới 14 tuổi may mắn sống sót. Vì muốn báo thù, Lã Tứ Nương đã quyết tâm học võ ở khắp nơi. Trong đêm định mệnh, Lã Tứ Nương đột nhập vào cung rồi nhân cơ hội sát hại hoàng đế, khi chuyện đã thành thì đem theo thủ cấp rồi trốn đi mất. Do đó, hoàng tộc nhà Thanh đã bí mật làm một chiếc đầu lâu bằng vàng để an táng cùng thi thể của Ung Chính.

Tuy nhiên theo các tài liệu chính sử, không có vụ án nào liên quan tới việc người nhà họ Lã chạy trốn. Hơn nữa với sự canh phòng cẩn mật của quân lính Thanh triều, khó có thích khách nào có thể lọt vào cung cấm chứ chưa nói đến việc có cơ hội tiếp cận và hành thích hoàng đế. Vì vậy đây vẫn chỉ là câu chuyện được người đời kể cho nhau nghe trong những lúc trà dư tửu hậu.

Suốt nhiều năm qua, các nhà sử học tiến hành nghiên cứu tỉ mỉ về sử liệu trong cung điện nhà Thanh để giải mã nguyên nhân băng hà của Ung Chính. Trong đó nổi bật là nghiên cứu của học giả Kim Hằng Nguyên, người Mãn, vốn dòng dõi hoàng tộc Thanh triều. Kết quả cho thấy Ung Chính qua đời do lạm dụng đan dược. Theo những gì được ghi lại trong Thanh sử cảo mà đáng chú ý là những chi tiết đắt giá như: nuôi đạo sĩ trong cung, ham thích đan dược, khi chết thì “thất khổng lưu huyết”... Học giả Kim Hằng Nguyên khẳng định cái chết của vị hoàng đế này liên quan mật thiết tới thuật luyện đan.

Được biết Ung Chính vốn ham mê thuật luyện đan của Đạo giáo từ trước khi lên ngôi hoàng đế. Ông từng viết bài thơ với tựa Thiêu đan, dùng toàn những thuật ngữ trong luyện đan, mô tả rất sinh động khung cảnh luyện đan dược. Ngoài ra, ông rất tôn sùng tổ sư phái Kim đan Nam Tông Trương Bá Đoan, còn cho xây đền thờ tại đạo quán tại quê của Trương.

Từ năm 1726, Ung Chính thường xuyên dùng một loại đan dược có tên là “Ký tế đan”. Sau khi sử dụng ông cảm thấy rất khỏe mạnh, sáng suốt, sinh lực bền bỉ. Thậm chí ông còn mang tặng thuốc này cho nhiều đại thần trong triều.

Mùa xuân năm Ung Chính thứ 8 (1730), vì lâm bệnh nặng Ung Chính đã cho triệu tập tất cả danh y và đạo sĩ hàng đầu vào cung trị bệnh cho mình. Bản dụ được chính hoàng đế dùng châu sa ngự bút, lời lẽ khẩn thiết, chứng tỏ ông đặc biệt coi trọng việc này. Sau khi bản dụ được gửi đi, rất nhanh tuần phủ Tứ Xuyên viết tấu báo về có người tên Cung Luân, mọi người đều gọi là Cung tiên nhân, có thuật trường sinh, 86 tuổi mà như thiếu niên, vợ còn sinh được con trai. Tiếc rằng khi tìm đến Cung tiên nhân thì ông này vừa tạ thế. Các con của Cung tiên nhân cũng không biết gì về "bí truyền" của phụ thân.

Tiếp dụ ngày thứ hai, tổng đốc Triết Giang tấu về báo ở Hà Nam có vị đạo sĩ danh tiếng lẫy lừng tên là Giả Sĩ Phương. Ung Chính mừng rỡ, lập tức hạ lệnh mời Giả Sĩ Phương vào cung. Tháng 7 năm Ung Chính thứ 8 (1730), vị đạo sĩ họ Giả nhập cung. Chỉ một thời gian ngắn, bệnh tình của Ung Chính thuyên giảm trông thấy, đến tháng 9 thì hoàn toàn bình phục. Nhờ có công trong việc trị bệnh cho vua, Giả Sĩ Phương được hoàng đế vô cùng coi trọng, nhận thưởng bổng lộc, vinh hoa phú quý hưởng không hết.

Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tháng sau, đạo sĩ Giả Sĩ Phương đột ngột bị bắt giam vào ngục. Trong chỉ dụ Ung Chính có nêu rõ: Giả Sĩ Phương dùng “án ma chi thuật” (phép xoa bóp), “mật chú chi pháp” (bùa chú), khiến cho lúc đầu rất là hiệu nghiệm nhưng “một tháng sau, trẫm tuy đã khỏi bệnh mà mỗi khi ăn uống, nằm ngồi, hắn muốn trẫm an thì an, muốn bất an là thấy bất an. Sự an và bất an của trẫm, hắn đã nắm cả trong tay, trẫm muốn ra cũng không được”. Sau cùng vị đạo sĩ phải nhận án chém đầu vì “dám đem thuật yêu tà mà mê hoặc” hoàng đế.

Tuy vậy vua Ung Chính vẫn tiếp tục tham gia nhiều hoạt động của Đạo giáo. Ông cho xây điện Khâm An trong hoàng cung, nơi dành riêng cho các hoạt động của Đạo giáo. Ngoài ra vua còn thường thỉnh các đạo sĩ lập đàn, vẽ bùa, cầu sao, giải hạn, trị bệnh đuổi tà... ở các cung điện chính. Số đạo sĩ trong cung rất đông với nhiều phương thuật khác nhau, chia thành nhiều phái như luyện đan, bùa chú…

Sau khi vua cha băng hà, chỉ 3 ngày sau khi lên ngôi Càn Long đã ra lệnh trục xuất tất cả đạo sĩ ra khỏi cung, điều này càng chứng tỏ nguyên nhân tử vong của Ung Chính có liên quan ít nhiều đến Đạo giáo, nhất là do đan dược.

Cập nhật: 24/08/2020 Theo vnreview
  • 4.011