Bí ẩn tảng đá "du hành" vũ trụ chục nghìn năm, rồi quay về Trái đất

  •   43
  • 1.509

Thiên thạch nặng 646 gram từng rời bỏ chúng ta, bay ra ngoài vũ trụ, rồi bằng một cách nào đó chấm dứt hành trình phi thường tại Trái đất.

Một nghiên cứu chưa được công bố của các nhà khoa học tới từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp có thể sẽ khiến bạn bất ngờ về hành trình của một tảng đá màu đen, vốn được phát hiện ở Ma-rốc vào năm 2018.

Theo đó, tảng đá có tên chính thức "Tây Bắc Châu Phi (NWA) 13188", được cho là đã rời khỏi Trái đất bay ra ngoài vũ trụ.

Tảng đá bí ẩn đã trải qua hành trình phi thường sau khi vào vũ trụ và quay về Trái đất.
Một tảng đá bí ẩn đã trải qua hành trình phi thường sau khi được phóng vào vũ trụ và quay về Trái đất. (Ảnh minh họa: Getty).

Theo Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, "tảng đá boomerang" nặng 646 gram này có thể đã được phóng ra khỏi Trái đất do hoạt động của núi lửa. Cấu trúc tinh thể, và thành phần hóa học của nó cũng phù hợp với nhận định trên, khi sở hữu một hỗn hợp gồm các đồng vị oxy và nhiều nguyên tố vi lượng.

Sau khi thực hiện hành trình phi thường ngoài vũ trụ, cấu trúc của tảng đá đã thay đổi. Nó chứa một lượng lớn Helium-3, Beryllium-10 và Neon-21, các nhà nghiên cứu cho biết. Đây là những bức xạ được tìm thấy ngoài không gian, nhưng phần lớn bị chặn bởi từ trường của Trái đất.

Mặc dù nồng độ của các đồng vị này thấp hơn so với các thiên thạch khác, nhưng nó vẫn cao hơn đáng kể so với các loại đá có nguồn gốc từ Trái đất. Điều này mở ra khả năng rằng "NWA 13188" có thể đã tiếp xúc với các tia vũ trụ trong một khoảng thời gian lên tới vài chục nghìn năm.

"Chúng tôi coi NWA 13188 là một thiên thạch. Nó được phóng lên từ Trái đất và sau đó được quay trở lại", nhóm nghiên cứu kết luận. Tảng đá này có thể đã có kích thước lớn hơn. Tuy nhiên, nó bị tan chảy một phần bề mặt khi tiến vào bầu khí quyển của Trái đất.

 Cận cảnh tảng đá được cho là đã "du hành" vũ trụ chục nghìn năm, rồi quay về Trái đất.
Cận cảnh tảng đá được cho là đã "du hành" vũ trụ chục nghìn năm, rồi quay về Trái đất. (Ảnh: Meteorological Society).

Dẫu vậy, nghiên cứu chưa được công bố đã không thuyết phục được tất cả giới chuyên môn.

Nhà khoa học hành tinh Philippe Claeys phủ nhận kết luận nêu trên do không đủ bằng chứng về nguồn gốc của tảng đá kỳ lạ. Ông nói: "Khi bạn tuyên bố những giả thuyết phi thường, bạn cần có bằng chứng phi thường để chứng minh điều đó. Tôi vẫn chưa bị thuyết phục".

Bên cạnh đó, nhiều lập luận đã nghi ngờ về khả năng núi lửa có thể phóng đá vào không gian.

Theo tính toán của Phys, để đi vào quỹ đạo, một tảng đá bắn ra từ miệng núi lửa sẽ cần phải di chuyển với tốc độ hàng chục nghìn km/h. Tuy nhiên, điều này là khó xảy ra vì nó cao rất nhiều so với tốc độ bay trung bình của hầu hết các tảng đá khác.

Bên cạnh đó, các cột khói núi lửa cao nhất cũng thường chỉ cách Trái đất khoảng 31 - 45km, khiến việc phóng đá vào không gian do hoạt động núi lửa là điều bất khả thi.

Một giả thuyết khác đã được đặt ra. Giới phân tích cho rằng va chạm của một tiểu hành tinh, đã tạo ra lực khiến tảng đá văng "ngược" vào không gian.

Trên thực tế, một số vụ va chạm giữa Trái đất và tiểu hành tinh có thể tạo ra lực đủ mạnh để đưa các mảnh vỡ vào không gian. Một tảng đá như thế đã được tìm thấy trên Mặt Trăng trong sứ mệnh Apollo 14 vào năm 1971.

Cập nhật: 01/12/2024 Dân Trí
  • 43
  • 1.509