Bí ẩn từ những tảng đá biết đi

  •   4,37
  • 8.718

Trên trái đất có những tảng đá bỗng nhiên tự di chuyển khỏi chỗ chúng đã nằm từ lâu. Ví dụ ở bang California (Mỹ), những tảng đá nặng hàng nửa tấn đã thực hiện được những cuộc “dạo chơi” tại đáy hồ cạn Restrake mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào.

Hồ Restrake nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên ở thung lũng Chết, California. Đây là một trong những nơi nóng nhất trên trái đất. Vào năm 1917, nhiệt độ lên tới 50 độ C trong suốt 43 ngày. Các tảng đá di chuyển chậm chạp, đôi khi theo đường zic-zắc, vượt qua hàng chục mét, để lại dấu vết rõ rệt trên nền cát. Chúng không lăn, không quay, mà “trườn” trên bề mặt như có lực vô hình kéo đi. Các nhà khoa học đã nhiều lần tìm cách ghi nhận sự di chuyển của chúng, nhưng không thành công: Người ta không sao chộp được thời điểm mà các tảng đá “du ngoạn”. Song chỉ cần những người theo dõi tránh xa một chút, là chúng lại bắt đầu dịch chuyển - đôi khi đến nửa mét mỗi giờ. Các nhà khoa học đã theo dõi suốt ngày đêm quanh khu vực, nhưng không nhận ra bất cứ ai hoặc cái gì đã trợ giúp chúng.

Điều kỳ lạ với các tảng đá không chỉ xảy ra ở Mỹ. Cách làng Gorodishe (gần Pereslavl-Zalessk, Nga) không xa có tảng đá Sin. Theo truyền thuyết, trong tảng đá này có vị thần ước mơ và mong muốn. Vào đầu thế kỷ 17, nhà thờ địa phương tuyên chiến với đạo đa thần. Cha Anufri, phó tế của nhà thờ, đã cho đào một hố lớn để ném tảng đá Sin xuống đó. Nhưng vài năm sau, tảng đá lại bí hiểm nổi lên. 150 năm sau, chính q

Nhà thờ ở Pereslavl

uyền và nhà thờ ở Pereslavl quyết định đặt tảng đá thần bí dưới đáy móng của tháp chuông địa phương. Người ta đặt tảng đá lên xe trượt và kéo nó trên mặt băng của hồ Plesheev. Băng bị vỡ và tảng đá chìm xuống độ sâu 5 mét. Nhưng chẳng bao lâu, những người đánh cá bắt đầu nhận thấy tảng đá đã thay đổi vị trí. Nó từ từ di chuyển ở đáy hồ. Và 40 năm sau, nó đã bò lên đến bờ ở chân núi Iarilin rồi nằm ở đó cho đến tận bây giờ.

Ở vùng viễn đông của Nga, cách hồ Bolon không xa, có một tảng đá nặng nửa tấn, dạng gần như tròn. Nó được dân địa phương gọi là tảng đá chết. Tuy vậy nó cũng thích “đi du lịch”. Bình thường nó nằm yên một chỗ trong vài tháng, nhưng có khi nó lại đột ngột di chuyển.

Nhưng tảng đá bí hiểm nhất có lẽ là ở vùng Tây Tạng, gần một Phật viện lâu đời. Nó không chỉ đơn giản “đi” được, mà còn nhẹ nhàng “leo” được lên núi. Vì tảng đá này nặng 1.100 kg, nên khả năng “leo núi” của nó là kỳ diệu. Hành trình lên đỉnh núi của tảng đá đã kéo dài hơn 1.000 năm nay. Nó di chuyển theo một tuyến xác định: Ban đầu, nó “leo” lên độ cao nhất định, rồi bò xuống. Cuối cùng, nó di chuyển theo vòng tròn. Thời gian lên và xuống núi của nó kéo dài chừng 15 năm. Thời gian đi theo vòng tròn, 60 km, mất 50 năm. Tảng đá này có tuổi khoảng 50 triệu năm.

Các nhà khoa học trong hàng chục năm đã tìm cách giải thích điều bí ẩn xung quanh những tảng đá. Người ta đưa ra nhiều giả thuyết, trong đó có không ít thứ huyền bí. Một số nhà nghiên cứu cho rằng các tảng đá chuyển động là đại diện của một dạng sống khác. Họ quan niệm cuộc sống hoàn toàn có thể được hình thành từ silic (phần chính của đá). Thêm vào đó, truyền thuyết về các “tảng đá sống” xuất hiện không phải ngẫu nhiên: Những người trồng lúa mì ở Bắc Âu và vùng Baltic cho đến nay vẫn tin một cách nghiêm túc là các tảng đá không chỉ có khả năng di chuyển, mà còn mọc lên được, vì chúng thường xuyên xuất hiện trên các cánh đồng đã dọn sạch.

Cũng có những cách giải thích khoa học hơn về hiện tượng đá lang thang. Một số nhà khoa học cho rằng đó là do ảnh hưởng của địa từ, vì đa số các tảng đá lang thang thường "cư ngụ" ở những nơi có sự bất ổn địa từ mạnh nhất. Tuy nhiên, người ta không hiểu được trường địa từ đã phải lớn thế nào mới chống lại được trường hấp dẫn để bê nguyên được những tảng đá đồ sộ từ chỗ này sang chỗ khác.

Một giả thuyết khác cho rằng, sự di chuyển của các tảng đá là do ảnh hưởng của mưa và gió. Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng sở dĩ các tảng đá di chuyển được là do chúng trượt trên nền đất sét khi bị những cơn gió đẩy. Tuy nhiên trong trường hợp các viên đá ở Thung lũng Chết, giả thuyết này tỏ ra bất lực. Thứ nhất, ở đó rất hiếm có mưa. Thứ hai, những vết mà các tảng đá để lại thường ngược với hướng gió thổi.

Năm 1995, một nhóm các nhà địa chất ở bang Massachussets (Mỹ) sau những cuộc nghiên cứu kéo dài ở thung lũng Chết đã đã đưa ra một giả thuyết khác. Theo đó, điều kiện chính để tảng đá di chuyển được là lực ma sát giảm đột ngột. Ở thung lũng Chết thường có sự chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm rất cao, dẫn đến sự hình thành, tích tụ nước: Các giọt nước ban đêm đọng lên bề mặt đá và biến thành băng. Bề mặt băng rất trơn, vì thế các cơn gió giật mạnh có thể làm các tảng đá bứt ra khỏi chỗ nằm và di chuyển.

H.T sưu tầm
  • 4,37
  • 8.718