Biến bùn, rác thải thành phân bón hữu cơ tổng hợp

  •  
  • 6.091

Sản phẩm phân bón hữu cơ tổng hợp được chế biến từ rác thải bùn ao, hồ, kênh mương trong làng nghề được đông đảo nông dân trong vùng và một số tỉnh lân cận Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nam, Yên Bái, Sơn La... sử dụng.

Sản phẩm này được Ngân hàng thế giới phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường trao tặng giải thưởng KaWai (giải thưởng về ý tưởng kinh doanh), nhân ngày sáng tạo Việt Nam vừa qua và lại đoạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật của nhà nông lần thứ nhất được tổ chức tháng 10/2005.

Tác giả của sản phẩm đó là anh Nguyễn Phi Sinh, Đội 4, xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Tây.

Nghề chế biến tinh bột sắn, rong riềng phát triển đã làm cho đời sống nhân dân quê anh được nâng lên rõ rệt, nhưng nó lại làm cho làng nghề này ngày càng ô nhiễm trầm trọng, cây cối xung quanh ao hồ cằn cỗi, chết hàng loạt. Khi nước thải chảy ra đồng ruộng làm lúa bị lốp, năng suất thấp.

Với suy nghĩ làm gì để tận dụng nguồn chất thải, góp phần làm sạch môi trường nung nấu trong anh suốt một thời gian dài. "Công trình nghiên cứu khoa học" của anh bắt đầu thật tình cờ. Sau mỗi trận mưa rào, anh thường quan sát thấy cây cối lại đâm chồi nảy lộc. Anh đã tìm hiểu và biết do lượng nước mưa pha loãng nồng độ axit, nitơ trong chất thải nên làm cây cối hồi sinh.

Ngày nào cũng vậy, từ mờ sáng, người dân trong làng đã thấy anh trong bộ quần áo lao động lấm lem, hì hụi đào bới chất thải sặc mùi hôi thối từ ao, ruộng, cống rãnh lên bờ, phơi khô. Rồi tỷ mỉ nhìn ngó, dùng tay nhặt loại bỏ tạp chất rồi chất lên xe chở về nhà.

Một số người còn cho rằng anh bị bệnh tâm thần. Nhưng anh lại chỉ vào những thùng chứa bùn thải đặc sệt đóng váng xếp hàng loạt trong khu sản xuất của mình và không hề giấu giếm "Tiền tỷ cũng từ đấy mà ra".

Bùn bẩn được tích tụ lâu ngày từ chất thải của làng nghề được anh lấy về từ ao hồ, cống rãnh rồi cho vào kích ép hết nước, phơi khô, nghiền nhỏ cho vôi bột để khử chua, trộn lẫn với than bùn, cấy vi sinh vật vào đó và dùng chế phẩm EM khử mùi. Khi đã cơ bản hoàn thành công nghệ, anh cho bón thử cây cối trong nhà và diện tích canh tác của gia đình cho hiệu quả cao đến không ngờ.

Anh Sinh tâm sự: Năm 1996 tôi mạnh dạn vay ngân hàng 60 triệu đồng, đầu tư sản xuất. Nhưng không vào được thị trường bởi cơ số sản phẩm nhỏ, tiếp thị không được chú trọng. Vì thế, trong hai năm gia đình không có khả năng hoàn trả nên đã bị ngân hàng niêm phong nhà cửa. Tất cả vợ chồng, con cái chỉ còn vẻn vẹn 10 m2 gian bếp ở tạm. Tiền học phí của 4 đứa nhỏ phải khất nợ cô giáo đến hàng chục lần.

Thất bại, khó khăn không làm anh nản lòng. Chật chội, thiếu thốn không ảnh hưởng gì đến ý chí và quyết tâm nghiên cứu của anh. Hàng ngày anh lo làm kỹ thuật, vợ con tham gia phơi, nghiền chất thải. Sau khi thành phẩm anh đến từng hộ gia đình nông dân trong vùng vận động họ dùng thử sản phẩm của mình chăm sóc cây trồng.

Từ chỗ cho không rồi đến bán trả chậm, sản phẩm phân hữu cơ tổng hợp của gia đình anh dần được bà con tín nhiệm sử dụng vì cho năng suất chất lượng cao không thua kém với những loại phân bón đang bán trên thị trường.

"Tiếng lành đồn xa", nông dân vùng xung quanh cũng đến thăm quan, đặt hàng ngày càng nhiều với số lượng lớn. Hai năm sau, anh đã có đủ tiền trả nợ ngân hàng, chuộc lại nhà. Giờ đây, anh đã thành lập cơ sở sản xuất phân hữu cơ tổng hợp Trường Sinh do anh làm giám đốc. Mỗi năm sản xuất 1.400 tấn, với giá 900 đồng/kg, thấp hơn sản phẩm cùng loại có bán trên thị trường hàng vài chục lần. Khoảng gần 20 công nhân tham gia sản xuất có thu nhập 700.000 đồng/tháng.

Từ thành công này mà vấn đề chất thải của làng nghề được khắc phục, không còn mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ ao hồ, cồng rãnh. Sản phẩm phân hữu cơ tổng hợp được tận dụng tới 70% chất thải, bùn ao còn lại 30% là phụ gia khác nên có tác dụng rất tốt, cải tạo môi trường đất. Anh Sinh cho biết thời gian tới, cơ sở sản xuất sẽ đưa ra thị trường sản phẩm phân bón mới dùng cho vùng đồi khô hạn, dành cho rau sạch và sản phẩm phân bón chậm tan chỉ dùng 1 lần cho 1 đời rau.

Theo VnExpress
  • 6.091