Một công trình nghiên cứu quá trình chuyển hóa phân lợn thành năng lượng sạch đã được công bố đạt hai tiêu chí quan trọng là: hiệu năng sản xuất năng lượng cao nhất và phát sinh khí thải ở mức thấp nhất.
Lượng chất thải hôi thối của hàng nghìn con lợn trong những trang trại nuôi lợn có thể gây ô nhiễm sông, hồ, nguồn nước ngầm và tạo ra cả những đám mây methane và carbon dioxide trên bầu trời. Việc tìm giải pháp chuyển hóa lượng chất thải này thành dạng năng lượng sạch là một việc làm rất có ý nghĩa.
Một nhóm nghiên cứu người Đan Mạch đã phân tích những cách thức xử lý khác nhau sau khi áp dụng chúng ở một số trang trại trong nước. Ở các trang trại này, phân lợn được sử dụng để tạo ra điện năng bằng các hệ thống như phân giải kỵ khí hoặc lò thiêu.
Khi không được xử lý, phân lợn có thể tạo nên một thảm họa môi trường thật sự.
Trong phân giải kỵ khí, vi khuẩn sẽ phân hủy chất thải trong một thùng đã khử oxy khiến lượng vật chất nóng lên, phát sinh ra khí methane. Khí này được sử dụng làm nhiên liệu phát sinh năng lượng quay một tua bin phát điện.
Còn với phương pháp lò thiêu, các chất thải được cô đặc ở dạng rắn, sẽ được đốt để đun sôi nước và vận hành một tua bin hơi nước.
Nhóm nghiên cứu do Trakarn Prapaspongsa, ĐH Aalborg kết luận: phương pháp phân giải kỵ khí có kết quả khả quan, đạt hiệu quả sản xuất năng lượng cao hơn. Tuy nhiên, nếu tính đến việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thì phương pháp sử dụng lò thiêu là lựa chọn hàng đầu.