Biểu đồ màu giải mã cảm xúc

  •  
  • 3.386

Một nghiên cứu mới đã đưa ra biểu đồ cho thấy khi chúng ta có những cảm xúc khác nhau, cơ thể theo đó biến hoá như thế nào.

>>> Ảnh hưởng kỳ lạ của cảm xúc đối với cơ thể

“Chúng ta thường nghĩ cảm xúc là điều gì đó chỉ xảy ra trong tâm trí, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy chúng cũng xảy ra trong cơ thể chúng ta”, Business Insider dẫn lại lời tác giả – chủ nhiệm nhóm nghiên cứu Lauri Nummenmaa, khoa Khoa học đại học Aalto, Phần Lan. Công trình được đăng trên kỷ yếu của viện Hàn lâm quốc gia về khoa học. Nghiên cứu dựa trên năm thí nghiệm liên quan đến 701 người tham gia. Họ được cho xem hai bóng thân thể đồng thời với các lời, các câu chuyện, các bộ phim tạo ra cảm xúc hoặc biểu hiện trên khuôn mặt. Sau đó họ được yêu cầu tô màu những vùng trên cơ thể mà họ cảm thấy hoạt động tăng hoặc giảm khi nhìn mỗi một loại kích thích. Kết quả là biểu đồ trên.

“Biểu đồ này mô tả chính xác nhất cho đến nay về cảm xúc chủ quan liên quan đến cảm giác cơ thể”, Nummenmaa nói. Biểu đồ cho thấy cảm xúc liên quan đến tiếp cận như giận dữ và yêu đương cho thấy hoạt động tăng lên trên các cánh tay (và giảm đi ở bàn chân), trong khi các cảm xúc liên quan đến né tránh như buồn bã và lo âu cho thấy các khu vực đó không hoạt động. Theo đó, hạnh phúc và trầm cảm kích hoạt cao nhất.

Biểu đồ màu giải mã cảm xúc
Bản vẽ màu các cảm xúc cơ bản (trên) và phi cơ bản (dưới). Các vùng được kích hoạt tăng cao (màu nóng) hoặc giảm đi (màu lạnh) khi cảm nhận mỗi cảm xúc. Cột màu chỉ phạm vi thống kê. Trên, từ trái: giận dữ – sợ hãi – chán ghét – hạnh phúc – buồn bã – ngạc nhiên – trung tính. Dưới: âu lo – yêu thương – trầm cảm – khinh bỉ – tự hào – xấu hổ – ham muốn.

Các tác giả cho rằng từng biểu đồ cảm giác cơ thể riêng biệt tiêu biểu cho các phản ứng sinh học phổ quát bởi những biểu đồ đó được thống nhất dựa trên các thí nghiệm, bao gồm cả các mẫu Tây Âu và Đông Á. “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy các cảm giác cơ thể liên quan đến cảm xúc khác nhau rất cụ thể; về mặt lý thuyết chúng có thể đóng góp đáng kể cho cảm giác ý thức của cảm xúc tương ứng”, Nummenmaa nói.

Qua các kết quả, nhóm tác giả kết luận nhận thức của chúng ta về những thay đổi được kích hoạt trong cơ thể “có thể giữ vai trò quan trọng”. Điều đó có nghĩa không chỉ hành động cố tình (như tập trung vào hơi thở hoặc nụ cười) có thể tạo ra cảm xúc tương ứng trong cơ thể, mà nhận thức về những phản ứng cảm xúc toàn thân cũng ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý của chúng ta.

Sự hiểu biết về vai trò hỗ tương thân-tâm có thể được dùng để xử lý đối với các cảm xúc mạnh. Đó cũng phù hợp với lời của vị đạo sư Tây Tạng Yongey Mingyur Rinpoch: “Một cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn đối với các cảm xúc tiêu cực, cũng tương tự đối với các suy nghĩ tiêu cực, chỉ đơn giản là để cho chú ý của bạn ngưng lại trên chính cảm xúc bản thân thay vì trên đối tượng. Hãy chỉ nhìn vào cảm xúc mà không cố tìm cách phân tích chúng bằng lý trí. Đừng chấp cảm xúc và cũng đừng ngăn chận nó. Chỉ quan sát nó thôi. Khi bạn làm như thế, cảm xúc dường như không lớn hoặc không mạnh như lúc ban đầu”.

Cũng như giáo sư Myrna Weissman được Reuters dẫn lại khi bàn về các hiệu ứng của tâm linh: “Não là một cơ quan phi thường. Nó không chỉ kiểm soát, nhưng cũng bị kiểm soát bởi các tâm trạng của chúng ta”.

Theo SGTT
  • 3.386