Bỏng da - Những điều cần biết

  •  
  • 3.468

Những tác nhân gây bỏng: Hay gặp nhất là do nhiệt: nhiệt nóng (như lửa, nước sôi, vật rắn được nung nóng, hơi nóng, khí bị nung nóng...) và nhiệt lạnh - tổn thương do cóng lạnh khi tiếp xúc lâu với các tác nhân lạnh âm sâu hàng trăm độ C (nitơ lỏng, các hầm lạnh trong các ngành công nghiệp...).

Ngoài nhiệt, chúng ta còn gặp bỏng do dòng điện (cao thế, hạ thế), bỏng do hồ quang điện được xếp vào bỏng do nhiệt. Bỏng do hóa chất (các axít hay bazơ mạnh) hay gặp là các trường hợp bỏng do axít, bỏng do vôi tôi nóng (bỏng nhiệt kèm theo bỏng kiềm)...

Mức độ bỏng

Mức độ nặng hay nhẹ của một trường hợp bị bỏng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như: diện tích bỏng (độ rộng của bỏng - bỏng càng rộng thì càng nặng), độ sâu của bỏng (mức độ tổn thương nông hay sâu trên da - bỏng càng sâu thì càng nặng), tuổi bệnh nhân (trẻ em, người già bị bỏng thường tiên lượng nặng hơn) hay khi bị bỏng nạn nhân có bị các chấn thương khác kết hợp hay không (gãy xương, chấn thương sọ não, chấn thương các tạng khác...). Ngoài ra, tiên lượng nặng hay nhẹ với bệnh nhân bỏng còn chịu ảnh hưởng của việc sơ cứu, cấp cứu ban đầu đúng hay sai, kịp thời hay không kịp thời...

Điều trị bỏng hiệu quả bằng cách nào?

Việc điều trị bỏng bao gồm điều trị toàn thân và điều trị tại chỗ vết bỏng.

Điều trị toàn thân nhằm mục đích dự phòng hay điều trị các biến chứng toàn thân do bỏng gây nên (ví dụ như biến chứng sốc bỏng, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy thận cấp, chảy máu tiêu hóa, suy nhiều tạng do bỏng...). Ngoài ra, việc điều trị toàn thân còn được hiểu là những biện pháp nhằm cung cấp cho bệnh nhân chế độ dinh dưỡng tốt hơn, nâng đỡ thể lực, tinh thần của bệnh nhân để giúp họ vượt qua bệnh tật.

(Ảnh;healthopedia.com)Điều trị tại chỗ vết bỏng là những biện pháp dùng thuốc hay không dùng thuốc nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất để vết bỏng tự khỏi (trong trường hợp bỏng nông) hoặc can thiệp bằng phẫu thuật (trong trường hợp bỏng sâu) để làm liền vết bỏng.

Đối với bỏng nông, thuốc điều trị vết bỏng có các nhóm như nhóm chống nhiễm khuẩn vết bỏng, nhóm tạo môi trường thuận lợi (độ ẩm, cung cấp các yếu tố phát triển...) cho việc tái biểu mô của vết bỏng. Cần phải hiểu rằng thuốc tại chỗ chỉ có tác dụng thúc đẩy quá trình liền vết bỏng nông chứ không quyết định việc khỏi hay không khỏi vết bỏng nông, bởi bỏng nông là bỏng tự khỏi cho dù có thuốc hay không có thuốc.

Đối với bỏng sâu, thuốc tại chỗ có tác dụng thúc đẩy tan rữa hoại tử bỏng và chống nhiễm khuẩn, thuốc không làm vết bỏng sâu tự liền được mà cần phải can thiệp phẫu thuật. Hiện nay trong dân gian có khá nhiều bài thuốc chữa bỏng, tuy nhiên chưa có bài thuốc nào chính thức được hội đồng khoa học thẩm định và công nhận.

Lời khuyên tốt nhất với bệnh nhân bỏng là không nên tự ý dùng các thuốc điều trị vết bỏng khi chưa rõ nguồn gốc, chưa xác định được tính chất của vết bỏng nông hay sâu. Càng không có một loại thuốc nào giúp tránh được sẹo bỏng. Có sẹo hay không có sẹo, sẹo tốt hay xấu phụ thuộc rất nhiều yếu tố mà trước hết có tính chất quyết định đó là tính chất bỏng nông hay sâu, sau đó là các yếu tố liên quan đến cơ địa, điều trị và chăm sóc sau khi khỏi... Tất cả những quảng cáo nói rằng thuốc làm vết bỏng không có sẹo đều không có căn cứ khoa học.

Xử trí ngay sau khi bị bỏng

Cho đến nay, cách xử lý tốt nhất, hiệu quả nhất vẫn là việc ngâm, rửa vết bỏng vào nước lạnh sạch (nước từ 10-20oC, không dùng nước đá, đá lạnh). Việc ngâm rửa càng sớm càng tốt, thời gian ngâm rửa khoảng từ 15-20 phút. Sau khi ngâm rửa, nên sử dụng băng vải sạch để băng ép nhẹ vùng bị bỏng rồi chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Không nên bôi bất cứ thứ gì theo kinh nghiệm lên vết bỏng lúc đó vì sẽ làm bệnh nhân thêm đau đớn hoặc nhiễm khuẩn. Mọi cố gắng để tìm được các loại thuốc bôi tại chỗ đều không phải là cách tốt nhất vì sẽ làm mất đi cơ hội (trong 30 phút đầu) và chưa cần thiết.

TS.BS. NGUYỄN VIẾT LƯỢNG (Viện Bỏng quốc gia)

Theo Sức khỏe & Đời sống, Tuổi trẻ
  • 3.468