Một số thực phẩm như giấm, nước quả lên men, siro dung dịch sát trùng miệng họng,... cũng chứa cồn với hàm lượng nhỏ.
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội, cho biết có nhiều lý do để một người không uống một giọt rượu bia nào nhưng vẫn có nồng độ cồn trong máu và hơi thở, như các trường hợp sử dụng thuốc uống, nước súc miệng, thực phẩm lên men, hoa quả chín quá mức.
Có khoảng 130 chế phẩm thuốc chữa bệnh, 14 chế phẩm vitamin, được bào chế dưới dạng dung dịch hoặc các loại nước súc miệng mà thành phần có cồn.
Một số thực phẩm chứa tinh bột hoặc đường có thể xuất hiện phản ứng lên men chuyển hóa thành rượu theo cách tự nhiên. Có những món ăn được chế biến với lượng cồn nhỏ như cá hấp bia, thịt bê sốt rượu Marsala, các món thịt hầm.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, thịt hấp nấu có bia rượu sẽ giữ lại 85% lượng cồn, thịt ướp giữ 70% lượng cồn, phải đun kỹ 150 phút thì lượng cồn mới giảm xuống còn 5% so với khi sơ chế.
Các món tráng miệng nướng với Vani cũng chứa cồn, thời gian nướng 15 phút vẫn giữ lại 40% cồn. Các loại bánh tráng miệng, như bánh châu chấu của Pháp, cũng có hàm lượng cồn rất ít.
Giấm táo. (Ảnh: best healthmag).
Giấm ăn cũng là thực phẩm chứa một lượng nhỏ cồn, giúp giảm bớt lượng muối, giảm bớt chất béo. Giấm đa dạng bao gồm giấm bỗng rượu, giấm trắng, giấm táo, giấm rượu vang, giấm lúa mạch nha, giấm Balsamic, giấm dừa, giấm nho, giấm bia. Hoa quả và trái cây chứa đường chín quá mức, một số đồ uống từ trái cây, một số loại nước tăng lực, trà Kombucha cũng có thể chứa cồn.
Như vậy, sẽ có những người không uống một giọt rượu bia nào nhưng họ sử dụng các chế phẩm thuốc, ăn thực phẩm hay trái cây chứa rượu, thì vẫn xuất hiện cồn trong máu và hơi thở.
Cùng quan điểm, bác sĩ Lê Quang Hào, Viện dinh dưỡng, cho biết trong các sản phẩm thực phẩm dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ. Nếu tình cờ ăn đồ ăn, uống thuốc có lượng cồn nhỏ như trên thì nên đợi khoảng 30 phút đến 1 tiếng rồi tham gia giao thông, bác sĩ khuyến cáo.