Các món ăn chống ô nhiễm từ môi trường

  •  
  • 484

Nếu làm việc ở nơi nhiều bụi, nên ăn mộc nhĩ đen, tiết lợn. Còn nếu môi trường có nhiều hóa chất độc hại, các món đậu xanh, táo đỏ, hạt sen có thể bảo vệ bạn.

Ô nhiễm do bụi

Mộc nhĩ đen: Do có chứa nhiều loại men và những chất kiềm thực vật, mộc nhĩ có thể tác động lên dị vật gây bệnh, đặc biệt là ở bộ máy hô hấp và tim mạch của những người sống và lao động trong môi trường ô nhiễm (công trường xây dựng, mỏ than, nhà máy dệt bông vải sợi, len, thảm...).

Mộc nhĩ là món ăn đứng đầu bảng đã được các dân tộc phương Đông dùng từ lâu đời cho người dân vùng mỏ. Và là món ăn thông dụng rẻ tiền có tác dụng phòng chống bụi gây bệnh. Mộc nhĩ có thể dùng được nhiều cách như xào, nấu, nấu cháo, chè, làm nhân bánh giò…

Tiết lợn: Cũng được lý giải công dụng như mộc nhĩ và còn tạo thuận lợi tống độc ra ngoài nhanh qua đường đại tiện. Đối với người có bệnh đường tiêu hóa hoặc ăn chưa quen thì phải cẩn thận, đặc biệt với món tiết canh.

Tiết canh thang: Dùng 30 g sứa, 150 g mã thầy tươi, nấu chín với nước. Có tác dụng đối với môi trường bụi gây khô, rát ngứa họng, viêm họng có đờm vàng.

Canh bách hợp, đảng sâm, phổi lợn: Phổi lợn, bách hợp 15 g, đảng sâm 20 g. Nấu nhừ ăn, chữa chứng ho ở người làm việc trong môi trường bụi, bị chứng đoản hơi, chóng mệt, suy nhược.

Ô nhiễm do hóa chất độc hại

Ở các thành phố lớn có nhiều phương tiện giao thông, đặc biệt là ôtô, xe máy, không khí thường có lẫn khí độc. Các nhà máy ngành hóa chất cũng có thể gây các bệnh nghề nghiệp, trong có chì và benzen thường có trong cao su, chất dẻo…

Tỏi: Mỗi bữa ăn hàng ngày nên ăn vài tép tỏi tái hoặc sống. Nên dùng tỏi giã nhuyễn ăn tươi, bảo quản tỏi để ăn hàng ngày hoặc thái lát ngâm trong dấm. Để không còn mùi tỏi thì sau khi ăn xong, nên ăn kẹo hoặc nhai ít nhánh chè Thái.

Rau quả: Có nhiều sinh tố C như cam, chanh, quýt, bưởi…

Thức ăn động vật: Thịt, trứng, cá chuyển hóa chì thành photphat 3 dễ hòa tan để bài tiết ra ngoài.

Sữa bò: Protein của sữa kết hợp với chì thành chất không tan, hạn chế sự hấp thụ chì. Ngoài ra canxi có trong sữa ngăn cản chì vào xương để bài tiết ra ngoài.

Các thứ khác: Hải đới, mã thầy, rau cải các loại nhất là bắp cải, đậu các loại, nhất là đậu xanh.

Những người có nguy cơ ô nhiễm thủy ngân (nơi đãi vàng, nơi dùng thuốc nhuộm giấy gỗ, thuốc diệt nấm, thuốc trong nha khoa) nên ăn thực vật có nhiều pectin (chất keo) như cà rốt, cùi trong các loại quả bưởi, quýt, cam, chanh…

Ô nhiễm do phóng xạ

Thường phóng xạ gây nhiễm cho những người làm việc trong môi trường có bức xạ như nhà máy năng lượng hạt nhân, các phòng chiếu tia xạ trị, phòng chụp X-quang, ngồi trước các màn hình, các máy photocopy.

Rong biển: Là chất kỵ các phóng xạ, giúp cơ thể bài tiết ra ngoài.

Các loại rau củ như: Cải bắp, cà rốt.

Uống nước trà xanh (trà tươi) hàng ngày.

Sâm Koryoinsam (Bắc Triều Tiên) có khả năng cứu sống 85% chuột bị nhiễm xạ bằng cách tiêm 10 mg dung dịch sâm này.

Chữa tác hại của xạ trị: Dùng hoa cải giã nhuyễn vắt nước nấu sôi thêm đường mía uống để chống rụng tóc. Ngoài ra các đối tượng này còn được chỉ định dùng mật ong hàng ngày để bù lượng gluco bị giảm.

Đông y thường dùng các thuốc bổ âm sinh tân dịch như rùa, ba ba, lươn, lê, mộc nhĩ.

Ô nhiễm tiếng ồn

Dùng các chất bổ dưỡng như trứng, sữa, đậu, rau quả tươi. Lưu ý dùng những thứ nhiều vitamin B1, magiê. Đông y thường dùng một số thức ăn để phòng chống độc chưa được xếp vào nhóm đặc hiệu:

Đậu xanh: Theo kinh nghiệm dân gian, đậu xanh hóa giải tất cả các độc tố thâm nhập vào cơ thể. Mùa hè là mùa dễ bị ô nhiễm nặng, nên ăn cháo, canh nước, chè đậu xanh là thích hợp. Đậu xanh thường được dùng chữa ngộ độc thạch tín.

Cam thảo: Là vị thuốc hay được dùng làm thức ăn, uống, có tác dụng giải những độc tố. Dùng cam thảo bọc trong túi vải nấu với đậu nành cho nhừ, có thể thêm gia vị rồi ăn.

Tuy nhiên, không nên lạm dụng cam thảo, vì dùng lâu dài có thể gây tình trạng phù do bị giữ nước và có thể bị suy giảm tình dục.

Chất kiềm: Theo Đông y, kiềm có trong rau quả. Ngoài tác dụng dinh dưỡng, kiềm còn có tác dụng làm sạch môi trường bên trong cơ thể, kiềm trong máu sẽ phân giải chất độc rồi bài tiết ra ngoài để giữ nội môi được trong sạch vô hại.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
  • 484