Bạn sẽ nghĩ sao khi một ngày bạn cảm nhận thấy mùi hương của người già hay mùi của tình địch?
Đã bao giờ bạn thắc mắc có tất cả bao nhiêu loại mùi hương tồn tại xung quanh chúng ta chưa? Hẳn đó sẽ là con số khổng lồ bởi có không ít các mùi mà bạn không hề để ý hay từng nghe đến. Bài viết dưới đây sẽ bật mí cho bạn một vài loại mùi mà hẳn bạn sẽ ngỡ ngàng khi nghe về chúng.
Nhắc đến testosterone người ta sẽ nghĩ ngay đến nam giới. Thế nhưng thực tế loại hormone này cũng tồn tại trong cơ thể phụ nữ, thậm chí giúp phụ nữ có một “siêu năng lực” đặc biệt: nhận biết tình địch tiềm ẩn của mình.
Các nhà khoa học Mỹ đã có những nghiên cứu về đề tài này. Jon Maner, nhà tâm lý học của ĐH Florida cùng cộng sự James McNulty đã tiến hành một thí nghiệm trên những phụ nữ có độ tuổi từ 18-21. Trong đó, những người được thí nghiệm sẽ được chia làm 2 nhóm.
Nhóm thứ nhất phải mặc những chiếc áo phông được quy định vào hai giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt (một thời điểm dễ mang thai, một thời điểm khó mang thai nhất), mà không được phép sử dụng dầu gội, nước hoa, xà phòng thơm. Nhóm thứ hai sẽ được phân công ngửi mùi trên những chiếc áo đó mà không biết gì về những người phụ nữ ở nhóm kia.
Kết quả cho thấy những chiếc áo phông được mặc trong thời kỳ dễ có thai có một mùi hương đặc trưng, kích thích sự sản sinh testosterone ở người phụ nữ ngửi những chiếc áo đó; trong khi những chiếc áo phông trong thời kỳ ít khả năng có thai cho kết quả ngược lại.
Testosterone - chìa khóa giúp phái yếu nhận ra những ông chồng thích ngoại tình
Với đặc điểm này, khi người đàn ông “thèm phở”, mùi hương của người tình sẽ lưu lại trên cơ thể của họ. Và các chị em vì thế chỉ cần dùng mũi cũng có thể tìm ra đâu là tình địch của mình.
Khoa học đã chứng minh rằng, ở người già có tồn tại một mùi hương rất đặc trưng.
Cụ thể, các nhà khoa học Nhật Bản đã có một cuộc thí nghiệm trên 22 tình nguyện viên từ độ tuổi 26 – 75. Họ lấy những chiếc áo được mặc liên tục của những tình nguyện viên này, sau đó đem phân tích và so sánh.
Ở những chiếc áo của người già, một lượng lớn hợp chất 2-nonenal được phát hiện. Lượng hợp chất này ở người già cao gấp 3 lần những người tuổi trung niên, và gấp nhiều lần so với các thanh niên.
Nhiều giả thiết đặt ra xung quanh việc hình thành 2-nonenal, nhưng ý kiến được đồng tình nhất đó là từ sự phân hủy chuỗi axit béo.
Các nhà khoa học mô tả mùi của hợp chất này rất khó chịu, giống như được trộn lẫn giữa mùi ngai ngái của thực vật và mùi dầu mỡ. Có lẽ chính vì quá quen thuộc với mùi hương không mấy dễ chịu này mà người già không thực sự cảm thấy khó chịu lắm đối với mùi hôi cơ thể từ những người độ tuổi thanh niên hoặc trung niên.
Khi những cơn mưa rào tới, chắc hẳn ai cũng ngửi thấy một mùi hương thật tươi mát và dễ chịu. Thế nhưng, khi nếm vị của nước mưa bằng lưỡi, ai cũng khẳng định rõ ràng nước mưa không có mùi gì. Vậy nguyên nhân là do đâu? Phải chăng do mũi của con người có vấn đề?
Sự thật không phải như vậy. Thực tế, mưa không mùi vị nhưng chúng xuất hiện sẽ kéo theo sự có mặt của một mùi hương trong không khí. Theo các nhà khoa học, mùi hương mà bạn ngửi thấy thực chất là của một loại tinh dầu mà thực vật tiết ra khi thời tiết quá oi bức và khô hạn.
Năm 1964, hai chuyên gia Isabel Joy Bear và R.G. Thomas tới từ Australia đã bắt đầu một công trình nghiên cứu có tên “Bản chất mùi của mưa”. Họ khám phá ra rằng trong những ngày điều kiện thời tiết quá nóng bức, đa số các loài thực vật sẽ tiết ra một loại hợp chất có tên geosmin.
Càng ở gần những nơi nhiều cây hoặc bãi cỏ bạn sẽ thấy “mùi mưa” rõ rệt.
Các bào tử của xạ khuẩn, một loại vi khuẩn dạng sợi, sẽ mang các phân tử geosmin phát tán trong không khí hoặc ngấm vào đất đá. Trời mưa sẽ làm cho các bào tử này vỡ ra và mùi hương của geosmin sẽ được lan tỏa khắp nơi. Đó cũng là lý do giải thích vì sao càng ở gần những nơi nhiều cây hoặc bãi cỏ bạn sẽ thấy “mùi mưa” rõ rệt.
Mặc dù nồng độ geosmin trong không khí là rất nhỏ, nhưng chất này rất nhạy cảm với mũi người. Chỉ cần một lượng geosmin có nồng độ xấp xỉ 5 phần 1.000 tỷ là khứu giác của ta có thể nhận biết được chúng.
Mỗi lần đặt chân vào những thư viện lớn, ngay lập tức bạn có thể ngửi thấy một mùi rất lạ. Điều đặc biệt là bạn chỉ có thể ngửi thấy mùi này khi bước gần tới các kệ sách cũ mà thôi.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm ra rằng chính những cuốn sách, tờ báo cũ là “thủ phạm” tạo ra mùi hương lạ lùng này.
Cụ thể, mỗi cuốn sách đều được cấu tạo bởi các loại hợp chất hữu cơ khác nhau. Thời gian trôi qua khiến các chất hữu cơ trên gặp phải nhiều tác động bên ngoài như ánh sáng, độ ẩm không khí... Từ đó những phản ứng hóa học xảy ra, tạo nên các chất hữu cơ mới dễ bay hơi và làm cho sách báo có mùi “lạ”.
Những chất hữu cơ phổ biến được sản sinh ra sau quá trình đó là acid axetic (CH3COOH), benzaldehyde (C6H5CHO) - một hợp chất mạch vòng có hương thơm hạnh nhân.
Ngoài ra, giấy ở sách báo cũ còn sản sinh ra một số hợp chất khác như butanol (C4H9OH), furfural (cũng có mùi hạnh nhân) hay octanal (C8H16O).