Ngày 10-7, hai nhà du hành trên tàu Discovery là Mike Fossum và Pierrs Sellers đã hoàn tất chuyến đi bộ thứ hai ra ngoài khoảng không, kết thúc việc sửa chữa khoang vận chuyển, bộ phận quan trọng được dùng để mở rộng hoạt động trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
|
(Ảnh: Nasa) |
Trong chuyến đi bộ đầu tiên vào ngày 8-7, hai phi hành gia này đã kiểm tra bộ phận kéo dài cần trục ở cuối cánh tay robot dài tới 30m của tàu con thoi. Đây là thiết bị được dùng để tu sửa khẩn cấp lớp vỏ ngoài của tàu ở những vị trí không thuận lợi. Như vậy hai nhiệm vụ quan trọng nhất trong hành trình bay lên vũ trụ lần này của tàu Discovery đã được hoàn thành.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết chuyến đi bộ thứ hai được thực hiện trong 6 giờ 47 phút và dự kiến chuyến đi bộ thứ ba sẽ được thực hiện vào ngày mai, với mục đích thử nghiệm khả năng sửa chữa các mẫu liên kết các-bon (RCC), một hợp chất dùng làm lớp vỏ cách nhiệt của tàu.
Sau vụ nổ tàu con thoi Columbia tháng 2-2003, chuyến bay lần này của tàu Discovery được giới chuyên môn Mỹ đặc biệt trông đợi. Sau hai lần hoãn do thời tiết xấu tàu Discovery đã được phóng lên vũ trụ đúng vào ngày Quốc khánh Mỹ 4-7, đưa lên Trạm ISS bảy nhà du hành và dự kiến sẽ trở về Trái Đất vào ngày 17-7 tới.
Những hình ảnh chụp được từ ISS cho thấy đây là tàu con thoi
"sạch" nhất trong vòng 25 năm qua và vết nứt trên lớp vỏ cách nhiệt của tàu được phát hiện trước đó hoàn toàn không ảnh hưởng gì. Sau khi nghiên cứu hàng trăm bức ảnh chụp lớp vỏ cách nhiệt của tàu Discovery, các nhà phân tích của NASA khẳng định con tàu hoàn toàn
"an toàn" để có thể trở về Trái Đất theo kế hoạch.