Xyanua: Từ "món quà" của thiên nhiên đến chất độc vô song

  •  
  • 1.527

Xyanua có lịch sử lâu đời là chất độc đầu bảng trong các vụ đầu độc và giết người. Trải qua hàng thế kỷ, mức độ nguy hiểm của nó vẫn không hề suy giảm.

Xyanua là gì?

Việc sử dụng chất độc làm vũ khí là kỹ năng đã được con người thuần thục từ thời tiền sử.
Việc sử dụng chất độc làm vũ khí là kỹ năng đã được con người thuần thục từ thời tiền sử.

Từ cách đây hàng triệu năm, khi các thợ săn thời tiền sử lần đầu tiên nhúng mũi tên vót nhọn của mình vào nọc rắn, cũng là lúc họ tìm thấy thứ vũ khí có thể thay đổi toàn bộ lịch sử chỉ bằng một lượng nhỏ như đầu kim, đó là chất độc.

Trong suốt nhiều thế kỷ, có đến hàng tá loại chất độc gây chết người khác nhau đã trở nên thịnh hành. Chúng ta có thể kể đến các loại chế biến từ cây độc cần, cây cà độc dược, cây phụ tử, mao địa hoàng, mã đề, thuốc phiện...

Thế nhưng trong các cuộc chiến tranh hiện đại, cụ thể là từ thế kỷ 20, không có loại thuốc độc nào nổi tiếng như xyanua khi nó thường xuyên được nhắc tới trong các vụ đầu độc và giết người.

Thuật ngữ "xyanua" vốn dĩ dùng để chỉ bất kỳ hóa chất nào có chứa liên kết cacbon-nitơ (CN). Tuy nhiên, nó dần trở thành tên gọi để chỉ chất độc xyanua. 

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), xyanua có thể là khí không màu, chẳng hạn như hydro xyanua (HCN) hoặc xyanua clorua (CNCl). Ngoài ra, nó cũng có thể ở dạng tinh thể như natri xyanua (NaCN) hoặc kali xyanua (KCN).

Một tỷ lệ xyanua nhất định có thể tồn tại bên trong các thực phẩm như sắn, đậu lima, hạnh nhân... hay hạt của các loại trái cây phổ biến, như quả mơ, táo, đào...

Nói cách khác, bên trong "món quà" của thiên nhiên trao tặng con người vẫn luôn ẩn chứa thứ vũ khí có thể lấy đi mạng sống trong giây lát.

Thực tế, đã có nhiều người ăn sắn bị chết vì chất xyanua có trong sắn. Ngoài ra, chúng không quá khó để điều chế và tìm kiếm dựa trên các nguồn nguyên liệu sẵn có.

Trong sản xuất, xyanua xuất hiện khá phổ biến khi thường được sử dụng để sản xuất giấy, dệt may, nhựa, luyện kim. Ngoài ra, xyanua ở dạng khí được sử dụng để tiêu diệt sâu bệnh và côn trùng gây hại

"Vua của các loại chất độc"

Quân đội Pháp đeo mặt nạ phòng độc, dùng lưỡi lê tẩm độc trong trận Ypres
Quân đội Pháp đeo mặt nạ phòng độc, dùng lưỡi lê tẩm độc, trong Trận Ypres, diễn ra vào tháng 4/1915 (Ảnh: Hulton).

Xyanua vốn dĩ là hóa chất cực độc, thậm chí được liệt vào danh sách những chất độc nhất trong các chất độc.

Việc sử dụng xyanua làm chất độc bắt nguồn từ Hoàng đế La Mã Nero (37-68 CN) khi ông sử dụng nước nguyệt quế anh đào có chứa xyanua làm chất độc.

Xyanua cũng được sử dụng trong Chiến tranh Pháp- Phổ (1870-1871). Tại đó, vua Napoléon III thúc giục quân đội của mình nhúng đầu lưỡi lê vào thuốc độc xyanua để dễ dàng hạ gục quân địch.

Xyanua cũng được sử dụng như một loại thuốc độc để tự tử trong giai đoạn Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh. Trong đó, phổ biến nhất là kali xyanua ở thể rắn, tan trong nước, và hydro xyanua được chưng cất ở dạng lỏng.

Chiến thuật tự tử bằng thuốc độc từng được nhiều nhà lãnh đạo Đức Quốc xã sử dụng vào cuối Thế chiến II. Tiêu biểu là trùm phát xít Adolf Hitler và người vợ Eva Braun đã tự đầu độc mình bằng xyanua trong một boongke ở Berlin.

Sau đó, Hermann Goring, một lãnh đạo cấp cao của chính quyền Đức quốc xã, cũng chọn cách tự tử để tránh bị hành quyết trong phiên tòa bằng cách cắn một viên nang chứa chất độc xyanua giấu trong miệng.

Adolf Hitler (phải) tự đầu độc bằng xyanua
Adolf Hitler (phải) tự đầu độc bằng xyanua (Ảnh: Telegraph).

Kể từ đó, xyanua gần như trở thành từ đồng nghĩa với thuốc độc tự tử trong các bộ phim điện ảnh lấy chủ đề về trinh thám, điệp viên.

Nhiều tác phẩm văn học kể lại rằng các tổ chức tình báo của chính phủ cũng cung cấp cho điệp viên của họ thuốc L (với L là tên viết tắt của "lethal" - nghĩa là gây chết người). Hành động này nhằm tránh việc các điệp viên bị tra tấn và tiết lộ bí mật quốc gia nếu không may bị kẻ địch bắt giữ.

Thuốc độc này có thành phần chính là xyanua, được giấu bên trong các ngăn bí mật ở kính mắt hoặc bút máy. Khi điệp viên nhai và nuốt những vật này sẽ giải phóng chất độc, và kết liễu mạng sống của chính mình trong giây lát.

Vì sao xyanua nguy hiểm?

Chất độc xyanua tấn công các ty thể và chuỗi vận chuyển electron trong tế bào
Chất độc xyanua tấn công các ty thể và chuỗi vận chuyển electron trong tế bào (Ảnh: Getty).

Theo CDC, sở dĩ chất độc xyanua gây tử vong cao là do đặc tính cản trở khả năng sử dụng oxy của cơ thể. Cụ thể, xyanua sẽ tấn công chính các tế bào tạo nên sự sống, cụ thể là các ty thể và chuỗi vận chuyển electron - còn được biết đến như "nhà máy điện" của tế bào.

Ty thể chịu trách nhiệm cho quá trình hô hấp tế bào và tạo ra năng lượng - gọi là adenosine triphosphate (ATP) - từ oxy. Để làm điều này, ty thể cần một loại enzyme cụ thể, gọi là cytochrome oxidase.

Tuy nhiên khi cơ thể tiếp xúc với xyanua, ion xyanua liên kết với cytochrome oxidase và ngăn không cho nó thực hiện nhiệm vụ mang lại sự sống.

Khi các tế bào không còn sử dụng được oxy, tình trạng bắt đầu xấu đi. Cơ thể dần tiến tới trạng thái suy hô hấp hoặc suy tim chỉ trong vòng vài phút.

Thế nhưng, thứ nguy hiểm nhất của chất độc xyanua là chúng có rất nhiều con đường để tiếp cận nạn nhân. Theo đó, xyanua có thể phơi nhiễm qua tiếp xúc với da, mắt, hoặc hít phải qua đường hô hấp. Ngoài ra, nuốt phải xyanua ở dạng rắn hoặc lỏng cũng có thể gây độc.

 Xyanua gây tử vong cao là do đặc tính cản trở khả năng sử dụng oxy của cơ thể.
 Xyanua gây tử vong cao là do đặc tính cản trở khả năng sử dụng oxy của cơ thể.

Thông thường, sau khi bị ngộ độc xyanua, nạn nhân sẽ trải qua 3 giai đoạn.

  • Đầu tiên là giai đoạn kích động, người bị nhiễm độc sẽ có dấu hiệu lo lắng, kích động, thở nhanh và lú lẫn.
  • Sau đó, nạn nhân bắt đầu co giật, khó thở, tụt huyết áp và bị giảm thông khí.
  • Cuối cùng, nạn nhân dần rơi vào trạng thái giảm trương lực cơ và mất phản xạ, bị trụy tim mạch, hạ oxy trong máu, dẫn đến tử vong.

Những dấu hiệu để nhận biết khi trúng độc xyanua đó là cảm thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, thở nhanh, nhịp tim tăng cao, cảm thấy bồn chồn và kiệt sức.

Khi phát hiện ra những dấu hiệu trên, điều khả dĩ nhất chúng ta có thể làm là nhanh chóng đưa nạn nhân nhiễm độc xyanua đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Lúc này, thời gian là yếu tố "sống còn", vì nạn nhân cần phải có sự điều trị y tế càng sớm càng tốt.

Theo các tổ chức y tế, nếu người trúng độc xyanua trong vòng 2 giờ không được chữa trị kịp thời, sẽ gây nguy cơ tử vong rất cao. Ngay cả những người sống sót sau khi tiếp xúc nhiều với xyanua cũng đối mặt với nguy cơ bị tổn thương tim, não và thần kinh nghiêm trọng.

Luật pháp Việt Nam không xếp xyanua vào danh mục hóa chất cấm bán. Tuy nhiên, việc kinh doanh xyanua phải tuân theo Luật Hóa chất 2007 và Nghị định 113, nghĩa là để kinh doanh xyanua phải có giấy phép đặc biệt, còn muốn mua phải có giấy giới thiệu, công văn, nói rõ số lượng, mục đích của việc mua bán.

Cập nhật: 17/07/2024 Dân Trí
  • 1.527