Các nhà nghiên cứu phát hiện nghĩa địa cá mập dưới đáy Ấn Độ Dương

  •  
  • 429

Các nhà khoa học trên tàu nghiên cứu RV Investigator phát hiện số lượng lớn hóa thạch của cá mập dưới đáy biển thông qua sử dụng lưới vét.

Hóa thạch răng cá mập thu thập từ nghĩa địa.
Hóa thạch răng cá mập thu thập từ nghĩa địa. (Ảnh: CSIRO)

Ở độ sâu gần 5.200m dưới đáy Ấn Độ Dương có một nghĩa địa cá mập. Được phát hiện hồi tháng 10/2022 bởi các nhà khoa học trên tàu nghiên cứu Australia, nghĩa địa cá mập chứa hơn 750 chiếc răng hóa thạch từ cả cá mập hiện đại và cổ đại.

Nhóm nghiên cứu thu được phát hiện bất ngờ trong chuyến khảo sát trên tàu RV Investigator, tàu nghiên cứu vận hành bởi cơ quan khoa học quốc gia Australia, CSIRO. Một tấm lưới vét khổng lồ được kéo dọc đáy biển, thu thập hàng loạt răng từ nhiều loài đa dạng trong công viên biển bao quanh quần đảo Cocos (Keeling).

Công viên biển quần đảo Cocos bao phủ diện tích hơn 466.198km2 ở Ấn Độ Dương, nằm phía tây Australia và Indonesia. Cùng với công viên biển đảo Giáng sinh, công viên này được thành lập hôm 20/3 bởi chính phủ Australia. Tổng diện tích hai công viên lớn hơn gấp đôi công viên Great Barrier Reef.

Cá mập chủ yếu cấu tạo từ sụn, không để lại bộ xương nguyên vẹn sau khi chết. Thứ duy nhất còn sót lại từ cơ thể chúng là răng và vảy. Các nhà khoa học sử dụng những bộ phận đó nhằm hiểu rõ đa dạng sinh học dưới đại dương.

Nghĩa địa phát hiện gần đây ở công viên biển quần đảo Cocos rất đáng chú ý bởi số lượng hóa thạch dồi dào của cá mập ở đó. Glenn Moore, quản lý cá ở Bảo tàng tây Australia, cho biết số lượng răng tìm thấy trong khu vực tương đối nhỏ như vậy gây bất ngờ lớn. Hiện nay, ông đang ở trên tàu RV Investigator trong hành trình ở công viên biển Gascoyne ngoài khơi Tây Australia. Theo nhà khoa học chỉ đạo chuyến đi, John Keesing, ước tính khoảng 1/3 số loài thu thập trong các cuộc khảo sát đa dạng sinh học bằng tàu RV Investigator có thể là loài mới.

Cập nhật: 08/12/2022 VnExpress
  • 429