Các nước lo ngại khi Nhật Bản quyết xả thải phóng xạ

  •  
  • 155

Thông tin Nhật Bản sẽ xả thải nước phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào đầu tháng 8-2023 sau khi được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) chấp thuận, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ nhiều nước trong khu vực, nhận được nhiều sự chú ý.

Các bể chứa nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi
Các bể chứa nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi được nhìn thấy tại nhà máy điện ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản vào ngày 8-3 vừa qua. (Ảnh: REUTERS)

Theo hãng tin Reuters, IAEA cho biết kế hoạch của Nhật Bản phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu và có tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người lẫn môi trường. Tuy nhiên, kế hoạch trên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân chỉ trích động thái của Nhật Bản. Trung Quốc đến nay đã cấm nhập khẩu hải sản từ 10 địa phương của Nhật Bản, bao gồm cả Fukushima và thủ đô Tokyo.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cách đây ít ngày cho biết Tổng thống Yoon Suk-yeol đã yêu cầu cử chuyên gia Hàn Quốc giám sát kế hoạch xả thải của Nhật Bản.

Trong khi đó, các quốc đảo ở Thái Bình Dương lo ngại việc này có thể khiến nước biển có nguy cơ ô nhiễm phóng xạ nhiều hơn nữa. Tổ chức Hòa bình Xanh bày tỏ lo lắng chất phóng xạ được thải ra có thể làm thay đổi ADN con người.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây, ông Phạm Văn Toàn, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, khẳng định việc xả nước thải phóng xạ của Nhật Bản không tác động đến Việt Nam bởi nước thải được loại bỏ gần như toàn bộ chất phóng xạ, ngoại trừ tritium - một chất phát quang phóng xạ của Hydro.

Cập nhật: 24/07/2023 NLĐ
  • 155