Cách luyện tập cho phụ nữ mang thai

  •  
  • 760

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, những thai phụ tập thể dục thường xuyên ít mắc chứng giãn tĩnh mạch chân, đau đầu, tăng huyết áp, phù... Họ sinh con cũng dễ dàng hơn và ít gặp tai biến khi sinh.

những thai phụ tập thể dục thường xuyên ít mắc chứng giãn tĩnh mạch chân

(Ảnh: bbc)

Sinh đẻ là một thử thách đối với sức khỏe người phụ nữ. Từ khi bắt đầu mang trong mình mầm mống của sự sống cho đến lúc đứa con ra đời, cơ thể trải qua nhiều thay đổi về sinh lý và tâm lý.

Những thay đổi có tính chất sinh lý lại có thể dễ dàng chuyển thành bệnh lý. Chẳng hạn, những người sức khỏe kém đã đẻ nhiều lần, cơ thành bụng yếu ớt, tử cung nhão rộng... khi sinh rất dễ bị chứng đờ tử cung gây băng huyết, có khi phải phẫu thuật.

Sức khỏe của thai nhi phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khỏe của người mẹ. Khi có mang, không những nhu cầu dinh dưỡng, sinh tố tăng hơn mà cả nhu cầu ôxy cũng tăng. Thai nhi rất nhạy cảm với tình trạng thiếu ôxy. Vì một lý do nào đó, người mẹ thở yếu hay khó thở, máu cung cấp tới thai nhi giảm sút, lập tức thai “máy đạp” nhiều hơn. Đây chính là dấu hiệu “kêu đói ôxy” của thai nhi. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của đứa trẻ khi ra đời.

Luyện tập thể dục trong thời kỳ có thai là một biện pháp tích cực để nâng cao sức khỏe của người mẹ, chuẩn bị thể lực cho việc sinh đẻ dễ dàng và an toàn, đồng thời thông qua mẹ bồi dưỡng sức khỏe cho thai nhi.

Tập thế nào là phù hợp?

Trong 3 tháng đầu, thai còn chưa bám chắc vào thành tử cung, việc tập luyện phải hết sức nhẹ nhàng. Nên tập những động tác thể dục để phát triển, củng cố các cơ tham gia vào quá trình sinh đẻ như cơ đáy chậu, cơ thành bụng, cơ lưng; và tăng tính di động các khớp khung xương chậu. Trong thời gian có thai, phải nghỉ hẳn các hình thức tập luyện có tính chất thể thao, nhất là không được thi đấu thể thao.

Từ tháng thứ 4 tới tháng thứ 7, có thể tập bơi, bơi với tốc độ chậm, động tác khoan thai. Tốt nhất là bơi ếch. Bơi là một hình thức vận động toàn diện, trong đó các cơ tham gia trực tiếp vào quá trình sinh đẻ được củng cố. Khi bơi, hoạt động chân tay thường kết hợp một cách tự nhiên với thở, cơ thể được tiếp xúc với không khí, với nước, toàn thân như được xoa bóp nhẹ nhàng, khí huyết lưu thông ảnh hưởng rất tốt đến sức khỏe. Không nên bơi lâu, mỗi lần tập không quá 20 phút. Không bơi ở hồ, ao nước tù, bẩn, trong môi trường nước đó có nhiều vi khuẩn và nấm gây bệnh. Tuyệt đối không được nhảy cầu xuống nước.

Ngoài luyện tập thể dục, hằng ngày thai phụ nên đi dạo ở những nơi thoáng mát và không khí trong sạch. Không nên đi xa mà đi từng đoạn đường ngắn, ngồi nghỉ, sau đó lại tiếp tục đi.

Từ tháng thứ 7 trở đi, việc tập luyện phải hết sức thận trọng vì lúc này thai đã lớn. Việc tập luyện quá sức hay gây chấn động cơ thể mạnh dễ làm động thai và dẫn đến đẻ non.

Việc tập luyện phải tùy theo sức khỏe và tình trạng thai nghén của mỗi người. Nếu có bất cứ một sự thay đổi nào dù nhỏ nhất về sức khỏe cũng phải hỏi ý kiến thày thuốc.

Ai không nên tập luyện khi mang thai?

  • Khi có nhiễm độc do thai nghén (tăng huyết áp, phù, albumin niệu).
  • Bệnh tim mạch ở giai đoạn mất bù (suy tim).
  • Bệnh lao phổi ở thời kỳ tiến triển.
  • Nhiễm trùng cấp tính.
  • Bệnh thần kinh.
  • Chảy máu khi có thai.
  • Đa ối.
  • Viêm sinh dục (không nên bơi lội).
  • Có những cơn đau bụng sau mỗi lần tập thể dục.
  • Với những trường hợp bệnh lý khác, nên hỏi ý kiến thày thuốc.

BS. Nguyễn Kim Giang

Theo Sức khỏe & Đời sống, Vnexpress
  • 760