Cùng có các triệu chứng như sốt, đau đầu, chảy nước mũi, rát họng… nhưng tiên lượng và cách điều trị của 2 bệnh lý này lại rất khác nhau.
Trong thời gian qua, số ca mắc cúm tại Hà Nội cũng như miền Bắc đang có xu hướng tăng nhanh. Song song với đó, nhiều bệnh lý khác cũng rất dễ xuất hiện trong kiểu hình thời tiết thất thường như hiện nay, nhất là cảm lạnh do đi mưa, sử dụng điều hòa sai cách…
Đáng nói là các triệu chứng của cúm A và cảm lạnh, viêm mũi họng cấp lại rất giống nhau, khó phân biệt, dẫn đến hướng xử trí sai cách, nguy cơ biến chứng tăng cao, kéo dài thời gian điều trị.
Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cúm A và cảm lạnh, viêm mũi họng cấp có tiên lượng và phương thức xử trí khác nhau.
Cụ thể, cảm lạnh hay viêm mũi họng cấp thường chỉ cần điều trị triệu chứng như sốt, đau đầu, chảy hay ngạt mũi… và có xu hướng khỏi mà không để lại biến chứng nào cho bệnh nhân nếu không bội nhiễm.
Ngược lại, trong trường hợp nhiễm virus cúm A, bệnh nhân rất dễ viêm phổi và có tỷ lệ tử vong nhất định.
PGS Đào thông tin một số nghiên cứu tại Mỹ cho thấy có tới 35,5 triệu người mắc cúm mỗi năm. Trong số này, có 34.000 trường hợp tử vong.
Do đó, vị chuyên gia tái khẳng định việc phân biệt cảm lạnh, viêm mũi họng cấp và cúm A là rất quan trọng. Người dân có thể dựa vào những yếu tố dưới đây của triệu chứng bệnh để xác định:
Những điểm khác biệt giữa cúm A và cảm lạnh, viêm mũi họng cấp. (Ảnh: BSCC).
Ngoài những yếu tố trên, một điểm khác của cúm A so với cảm lạnh, viêm mũi họng cấp là người bệnh sẽ đối diện với nguy cơ biến chứng như viêm tai, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau bụng, viêm phổi hay các vấn đề về tim mạch.
Về mặt điều trị, 2 bệnh lý nêu trên có những hướng xử trí rất khác nhau. PGS Phạm Thị Bích Đào cho biết với viêm mũi họng hay nhiễm lạnh thông thường, chúng ta chủ yếu điều trị hỗ trợ về mặt triệu chứng.
Cụ thể, bệnh nhân có thể hạ sốt, giảm đau bằng paracetamol hoặc ibuprofen cách ít nhất mỗi 4 giờ.
Ngoài ra, các bác sĩ có thể hỗ trợ bệnh nhân chống ngạt mũi, chảy nước mũi bằng các thuốc co mạch, giảm sung huyết, sát khuẩn và săn khô niêm mạc mũi. Giảm ho nếu người bệnh có biểu hiện ho nhiều.
Trong khi đó, với cúm A, ở các trường hợp đã có kết quả test nhanh dương tính với virus, bệnh nhân chỉ nên dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.
PGS Đào cho hay các triệu chứng của cúm A thể nhẹ có thể tự khỏi khi bệnh nhân được nghỉ ngơi nhiều và uống đủ nước.
Mặt khác, đối với các trường hợp mắc cúm A thể nặng, bác sĩ có thể phải kê đơn thuốc kháng virus như Zanamivir (Relenza), oseltamivir (Tamiflu)…
“Những loại thuốc này ức chế neuraminidase, làm giảm khả năng lây lan của virus cúm từ tế bào này sang tế bào khác, làm chậm quá trình lây nhiễm”, vị chuyên gia giải thích.
Để điều trị cúm A, phương pháp quan trọng là bổ sung đủ nước. Cần đảm bảo cơ thể luôn đủ nước, giúp làm lỏng chất nhầy trong đường hô hấp, bù lượng nước bị mất do sốt, nôn, tiêu chảy… và tăng cường hệ thống miễn dịch.
PGS Đào gợi ý trong quá trình điều trị cúm A, bệnh nhân có thể sử dụng các loại nước lọc, nước trái cây hay đồ uống bổ sung chất điện giải, đồng thời tránh đồ uống chứa caffeine vì chúng có tác dụng lợi tiểu, khiến cơ thể mất nước nhiều hơn.
Về Dinh dưỡng, bệnh nhân cúm A nên dùng thức ăn dạng lỏng như súp, cháo… giúp tăng cường miễn dịch. Các loại đồ ăn này có thể làm giảm các triệu chứng của cúm.
Người bệnh cúm A cũng cần nghỉ ngơi đầy đủ. Đây là cách hỗ trợ cơ thể chống lại nhiễm trùng hiệu quả và giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt. Do đó, PGS Đào khuyến cáo các bệnh nhân cần ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm khi bị cảm cúm.