Cái chết của người đàn bà Xóm Rền cách nay 3.500 năm

  •  
  • 2.026

Bộ xương khai quật được ở Xóm Rền

Khảo cổ học pháp y (forensic archaeology) là một thuật ngữ mới xuất hiện gắn với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học hình sự và khoa học pháp y trong những năm gần đây. Trong Hội nghị quốc tế gần đây nhất về khoa học hình sự họp ở Hồng Công (8/2004), Khảo cổ học pháp y hình thành như một chuyên đề độc lập.

Một ngày nhiều mây, không mưa của tháng 12/2005, nhà khảo cổ học trẻ Nguyễn Mạnh Hùng thuộc đoàn khai quật Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đang dõi theo từng nhát cuốc của người dân công trong hố thám sát 1 tại khu làng cổ Xóm Rền (Xóm Rền là một địa điểm khảo cổ học thuộc văn hóa Phùng Nguyên cách ngày nay 3.500 - 4.000 năm, hiện thuộc địa phận xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) nổi tiếng, bỗng phát hiện một bẩng đất có vệt cong màu trắng khác hẳn đất đồi nâu đỏ. Anh cho dừng cuốc và dùng chiếc bay chuyên nghiệp của các nhà khảo cổ thăm kỹ hơn vùng đất đó.

Dưới những lát bay nhẹ nhàng, khéo léo, chiếc sọ người dần hiện ra. Chiếc sọ được làm sạch những mảng đất dính làm hiện ra mọi chi tiết: sọ nằm hơi lệch nghiêng sang bên phải. Do bị nén, phần xương má phải bị sập xô lên chèn cả vào phần hốc mắt phải. Nửa bên trái khuôn mặt còn khá nguyên vẹn. Hàm dưới răng trắng với độ mòn chứng tỏ người chết ở tuổi 25-30. Xương gờ mày, cạnh hàm trơn và kích thước bộ xương nhỏ nhắn gợi ý người chết là một phụ nữ. Các nhà khảo cổ học trong đoàn đều vui mừng xác nhận: chúng ta lại có thêm một đại diện thực sự của tổ tiên vào thời các vua Hùng mở nước.

Đó đã là bộ xương thứ 5 khai quật được ở địa điểm này và có lẽ là bộ xương được bảo tồn vào loại tốt nhất. Các nếp xương sườn dễ mủn vẫn còn giữ được nguyên vẹn, các xương chi và xương đốt sống còn đầy đủ, chỉ bị hư hại chút ít là hai bàn chân và cánh tay bên phải. Người chết khi chôn, được người thân đặt nằm ngửa, đầu ngay ngắn, hai tay buông xuôi, bàn tay đặt sát mông hiện bị mảng xương hông đè lên, hai chân duỗi thẳng thể hiện một táng thức chu đáo và long trọng. Quan tài và các vật dụng chôn theo bằng gỗ hay bằng các chất hữu cơ đã bị lòng đất có độ PH cao tiêu hủy từ lâu.

Điều đáng nói nhất ở đây là khi nghiên cứu chi tiết bộ xương các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những vết thương trên đùi và đầu gối bên phải người chết có thể coi như nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân. Các nhà khảo cổ học pháp y đã tham gia nghiên cứu các vết thương này.

Khảo cổ học pháp y (forensic archaeology) là một thuật ngữ mới xuất hiện gắn với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học hình sự và khoa học pháp y trong những năm gần đây. Trong Hội nghị quốc tế gần đây nhất về khoa học hình sự họp ở Hồng Công (8/2004), Khảo cổ học pháp y hình thành như một chuyên đề độc lập. Ngành pháp y học và khoa học hình sự hiện đại chú ý đến thu thập và phân tích các dấu vết còn lại của các hiện tượng, hiện vật liên quan đến các vụ án. Về một khía cạnh nào đó, khoa học khảo cổ cũng có những nét tương tự. Các nhà khảo cổ cũng có nhiệm vụ thu thập những bằng chứng để phục hồi lại chân xác những sự thực lịch sử bị thời gian vùi sâu trong lòng đất. Việc ứng dụng những kinh nghiệm và phương tiện của khoa học hình sự vào khảo cổ học đã mang lại nhiều phát hiện kỳ thú, như việc phát hiện quá trình liền xương ở những nắp xương tròn đậy trên những sọ người thời đại Đồ đá mới cách nay 6.000 - 7.000 năm đã chứng minh người xưa đã có thể mổ khoét nắp sọ để chữa bệnh, sau đó đậy lại mà bệnh nhân vẫn sống. Dụng cụ mổ chỉ bằng những rìa sắc của phiến tước bằng đá.

Các nhà khảo cổ học pháp y còn giải phẫu và xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết của những xác ướp cổ đại ở Ai Cập, Trung Quốc hay xác không phân hủy trong đầm lầy ở Anh, Đan Mạch, Bắc Mỹ... Người đàn bà quý tộc Tây Hán sống cách nay hơn 2.000 năm chôn ở Mã Vương Đôi (Trung Quốc) đã được khai quật và giải phẫu đã xác định cái chết của bà do bị sỏi mật. Cuộc tìm kiếm nguyên nhân cái chết trẻ của vị Hoàng đế La Mã Alexander cũng như của cha ông ta hiện đang lôi cuốn nhiều nghiên cứu của các nhà khảo cổ pháp y.

Bộ xương người phụ nữ Xóm Rền chết cách nay 3.500 năm cũng được nghiên cứu bằng phương pháp khảo cổ học pháp y. Toàn bộ bộ xương được làm sạch không biến dạng và ở vị trí nguyên trạng như nó đã nằm từ hơn 3.000 năm nay trong lòng đất. Các vết nứt gãy vỡ trên bộ xương đều được chụp cận cảnh và phân tích trong phòng thí nghiệm kỹ thuật số phóng đại của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á. Bằng chứng về một cái chết không bình thường đã hiện dần ra trên màn hình dưới sự chứng kiến và xác nhận của các nhà khoa học Việt Nam, Anh và Nhật Bản: Hai vết gãy trên phần xương ống và đặc biệt một vùng dập xương rất nặng ở phần xương đùi phải liền trên đầu gối. Dường như có một vật khá nặng đột ngột đổ vào phần đầu gối chân phải người phụ nữ này khiến cho phần xương đó bị dập gãy thành nhiều mảnh. Có lẽ cũng do chấn động này hoặc do những cố gắng giải thoát sau đó mà đoạn xương đùi phía trên đầu gối xuất hiện thêm hai đường nứt gãy mới, xương đùi phải có dấu hiệu kéo dài ra hơn khoảng 2 cm so với xương đùi trái không bị dập gãy. Người phụ nữ đã không chết ngay do những vết dập gãy này. Bằng chứng là có sự xuất hiện những đường gờ phản ánh quá trình liền xương diễn ra sau khi xương bị dập gãy tương ứng với khoảng thời gian 1 - 3 tháng sau khi tai nạn xảy ra. Quá trình liền xương đang diễn ra nhưng chưa hoàn thành thì người phụ nữ chết.

Khảo cổ học Việt Nam đang bước vào thời kỳ ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học tự nhiên để xây dựng cho mình những bộ môn khoa học độc lập và mới mẻ. Việc phát hiện và hệ thống những vết tích nhuộm răng đen, nhổ răng cửa, răng nanh như một tập tục cũng như các vết bó hằn trên xương và các vệt cắt, bó hằn trên sọ của người chết ở Động Xá cách đây 2.000 năm đều có giá trị khoa học lớn như những ví dụ điển hình trong việc phục hồi chân thực và sinh động đời sống và sự chết của tổ tiên chúng ta thời xa xưa và gom nhặt kinh nghiệm cho sự hình thành một bộ môn khoa học mới - Khảo cổ học pháp y.

Nguyễn Việt - Nguyễn Mạnh Thắng

Theo Công An Nhân Dân
  • 2.026