Chứng bệnh này còn khiến bạn nổi khùng khi nghe thấy tiếng thở hay tiếng nhai kẹo cao su nữa cơ.
Nói thử xem, âm thanh nào có thể khiến bạn tức giận đến nỗi "phát điên"? Tiếng nhai kẹo cao su, tiếng máy khoan răng của nha sĩ, hay đơn giản là tiếng tạch tạch bấm bút mà cái lũ "nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò" kia vẫn làm suốt khi ở trong lớp mỗi ngày?
Nếu bạn nổi khùng với một trong những âm thanh trên, thì xin thông báo, bạn đã mắc phải hội chứng rối loạn tâm lý Misophonia.
Thuật ngữ "misophonia" nghĩa là "căm thù âm thanh". Theo chẩn đoán sơ lược, sự căm thù ở đây hướng đến âm thanh tự nhiên của con người.
Người mắc Misophonia dễ dàng nổi điên chỉ vì những âm thanh rất nhỏ do con người gây ra như tiếng nhai thức ăn, nhai kẹo cao su, thậm chí là tiếng thở.
Lúc này, não bộ chỉ huy nhịp tim của những người mắc chứng Misophonia tăng cao, mồ hôi vã ra như tắm như một cách để đối mặt, chống chọi lại với âm thanh kia.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Newcastle đã phát hiện thấy sự khác biệt trong "cơ chế kiểm soát cảm xúc" ở não của họ khi âm thanh được kích hoạt.
Các nghiên cứu cho thấy hội chứng Misophonia thường bắt đầu xuất hiện sớm nhất từ độ tuổi từ 9-13 và phổ biến ở người trưởng thành. Mặc dù vậy, các bác sĩ cũng không biết chính xác điều gì đã kích hoạt các triệu chứng lo lắng và giận giữ liên quan đến âm thanh đó. Họ chỉ biết nó không xuất phát từ tai của bạn.
Thay vào đó, chứng nhạy cảm âm thanh thường liên quan đến cách mà bạn cảm nhận âm thanh trong não bộ. Một nghiên cứu năm 2017 phát hiện các âm thanh chọn lọc đã kích hoạt vỏ não trước (prefrontal cortex), nơi sinh ra các cảm xúc như như tức giận, sợ hãi và lo lắng trong đầu của những người mắc hội chứng Misophonia.
Các nhà khoa học cũng phát hiện ra những người này có lượng myelin (một chất béo cách điện bao bọc xung quanh các tế bào thần kinh) trong não bộ cao hơn bình thường. Không rõ liệu tăng myelin có phải là nguyên nhân hay chỉ là hậu quả của chứng nhạy cảm âm thanh. Nhưng trước đó, các nhà khoa học cũng quan sát thấy ảnh hưởng của nó tới chứng giảm trí nhớ và sự kích hoạt đối với các vùng não khác.
Mới đây nhất, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Neuroscience tuần này cho thấy chứng Misophonia dường như bị kích hoạt bởi một kết nối thần kinh chạy từ vỏ não thính giác tới vùng vỏ não vận động đang kiều khiển chuyển động của các cơ và khớp trên mặt, miệng và cổ họng.
Nó phần nào giải thích tại sao đa số chúng ta bị dị ứng với các âm thanh phát ra từ miệng thay vì các âm thanh ngẫu nhiên khác như tiếng la hét, tiếng mưa rơi…
Nhà khoa học thần kinh Sukhbinder Kumar, tác giả nghiên cứu mới đến từ Đại học Newcastle ở Anh cho biết:
"Những phát hiện của chúng tôi chỉ ra một sự giao tiếp bất thường giữa vùng não thính giác và vùng não vận động của những người mắc Misophonia. Bạn có thể mô tả nó như một 'kết nối siêu nhạy cảm'. Đây là lần đầu tiên một kết nối như vậy trong não được xác định là nguyên nhân gây ra tình trạng này".
Thật không may, nhiều người mắc hội chứng Misophonia nặng có thể cảm thấy nó đang hủy hoại cuộc sống của mình.
Các triệu chứng nặng của Misophonia bao gồm: ghê tởm, thôi thúc sự trốn chạy, cơn phẫn nộ, hoảng loạn và thù ghét, đau khổ và sợ hãi… Nhiều người mắc hội chứng này có thể cảm thấy như bị tra tấn cả đêm chỉ bởi một chiếc vòi nước trong nhà vệ sinh bị rò rỉ.
Và bạn có thể tưởng tượng đến cuộc sống của một nhân viên văn phòng sẽ ra sao nếu họ bị dị ứng với tiếng gõ bàn phím? Tương tự, sẽ không công bằng nếu có một giáo viên đơn thuần cấm học sinh bấm bút bi trong giờ kiểm tra – trong khi hành động đó có thể đem lại sự tập trung cho học sinh ấy.
Bạn có thể dùng biện pháp đánh lạc hướng thính giác để xua tan các cảm xúc mà Misophonia gây ra.
Trước năm 2018, thực sự là khoa học chưa hề có bất kỳ một phương pháp điều trị nào cho hội chứng Misophonia. Nhưng khi một số thử nghiệm nghiên cứu lâm sàng vào cuộc, các bác sĩ đã bắt đầu khám phá ra hội chứng này và có cách giúp làm thuyên giảm nó.
Tại Mỹ, có hẳn một Hiệp hội Misophonia với các phòng khám chuyên biệt sử dụng liệu pháp hành vi, nơi bạn có thể tập luyện cho não bộ của mình không còn dị ứng với các âm thanh chọn lọc.
Đối với những người bình thường không thể tiếp cận các phương pháp trị liệu chuyên nghiệp, các nhà khoa học cho biết họ có thể dùng biện pháp đánh lạc hướng thính giác (chẳng hạn như đeo tai nghe hoặc phát tiếng ồn trắng – white noise) để xua an các cảm xúc mà Misophonia gây ra.
Các nhà nghiên cứu tại Anh Quốc đã thành lập một trung tâm nghiên cứu Misophonia cho phép bạn tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc tham gia vào các nghiên cứu chữa trị hội chứng này. Bạn có thể tìm hiểu trên trang web của họ tại địa chỉ: https://allergictosound.com/.