Cận cảnh cái chết của một ngôi sao

  •  
  • 2.318

NASA liên tiếp bắt được 2 khoảnh khắc quý giá hàng triệu năm có một: cái chết của một vì sao cách 19.000 năm ánh sáng và sự ra đời của một vì sao khác trong chòm Bọ Cạp.

Hình ảnh đầu tiên do Đài quan sát tia X Chandra của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) chụp được, cho thấy một sao xung trẻ nhất mà giới khoa học từng nhìn thấy.

Cái chết của một vì sao
Cái chết của một vì sao - (ảnh: NASA).

Sao xung là một dạng sao neutron xoay rất nhanh, có mật độ vật chất cực kỳ dày đặc và là phần "hài cốt" còn lại sau khi một vì sao đã chết. Ở giai đoạn cuối đời, ngôi sao sẽ bùng nổ lần cuối thành một siêu tân tinh và sau đó tan biến dần, để lại phần sao neutron lang thang trong vũ trụ.

Theo NASA, sao xung này – được đặt tên Kes 75 - thuộc về một vì sao già cách trái đất chúng ta 19.000 năm ánh sáng. Những dữ liệu thu thập được rất đáng giá vì giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về những gì xảy ra khi một ngôi sao vừa mới chết.

Bức xạ hồng ngoại tinh khiết từ lõi quay của một vì sao vừa chết khác được NASA ghi nhận hồi tháng trước
Bức xạ hồng ngoại tinh khiết từ lõi quay của một vì sao vừa chết khác được NASA ghi nhận hồi tháng trước - (ảnh: NASA).

Xung quanh sao xung, vẫn còn tồn đọng vô số tia X năng lượng cao được tạo ra bởi cơn gió của vật chất và các hạt năng lượng, vẽ nên các đường vân màu tím tuyệt đẹp. Các hạt này bắn ra với tốc độ ánh sáng từ chính sao xung bởi sao xung này quay quá nhanh.

Đài quan sát tia X Chandra là một tàu vũ trụ
Đài quan sát tia X Chandra là một tàu vũ trụ - (ảnh: NASA).

Tiếp sau đó, Kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA tiếp tục bắt được hình ảnh tuyệt đẹp của một ngôi sao mới sinh trong Tinh vân Chân Mèo (Cat’s Paw), thuộc chòm sao Bọ Cạp (Scorpius).

Cận cảnh Tinh vân Chân Mèo, nơi có vì sao vừa ra đời
Cận cảnh Tinh vân Chân Mèo, nơi có vì sao vừa ra đời - (ảnh: NASA).

Trong đó, các "bong bóng" khổng lồ sáng lên trong vùng hình thành sao đánh dấu những nơi có ngôi sao mới sinh.

Hình ảnh này được biên soạn bằng cách sử dụng dữ liệu từ Camera hồng ngoại Array (IRAC) và Máy đo quang phổ đa nhiệm (MIPS) trên Spitzer – vừa là kính viễn vọng, vừa là một tàu vũ trụ siêu hiện đại.

Tinh vân Chân Mèo chụp bằng camera hồng ngoại
Tinh vân Chân Mèo chụp bằng camera hồng ngoại - (ảnh: NASA).

Ước tính khoảng cách từ trái đất đến Tinh vân Chân Mèo khoảng 4.200 đến 5.000 năm ánh sáng. Tinh vân này là một "nhà trẻ" trong thiên hà Milky Way của chúng ta, bởi nó chứa đến 2.000 ngôi sao cực kỳ trẻ.

Cập nhật: 26/10/2018 Theo NLĐ
  • 2.318