Cảnh giác với bệnh sán lá phổi

  •  
  • 3.564

Một Việt kiều ở Lào về thăm quê hương, vào điều trị tại Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế với các triệu chứng là ho, có khạc nhổ ra đờm lẫn máu. Lúc đầu bệnh nhân được chẩn đoán là lao phổi nhưng qua theo dõi kết quả điều trị, đã phát hiện được người bệnh bị nhiễm sán lá phổi, một bệnh hiếm gặp tại các tỉnh miền Trung của Việt Nam. Vậy bệnh sán lá phổi là bệnh như thế nào?

Sán lá phổi là một bệnh mà con người và nhiều loài động vật khác như chó, mèo, lợn, hổ, báo, chó sói, cáo, chồn, chuột... có thể bị nhiễm. Người có thể bị nhiễm sán lá phổi và tuổi thọ của sán ký sinh trong người kéo dài từ 6 - 16 năm.
Phổi là nơi sán thường ký sinh nhưng cũng có trường hợp sán ký sinh ở dưới da, màng bụng, màng phổi, gan, ruột, tinh hoàn, não... Nếu sán ký sinh ở não, bệnh nhân thường có những cơn động kinh.

Sán lá phổi phát triển như thế nào?

Sán lá phổi (ảnh www.moh.gov.vn)

Sán trưởng thành đẻ trứng ở những phế quản, trứng sán được tống xuất ra ngoài theo đờm do bệnh nhân khạc nhổ ra môi trường xung quanh và tiếp tục phát triển ở các vật chủ trung gian truyền bệnh là ốc, cua, tôm. Trứng sán sau một thời gian ở dưới nước, thường là 16 ngày (mùa nóng) và 60 ngày (mùa lạnh) sẽ phát triển thành ấu trùng lông. Ấu trùng lông sau khi ra khỏi trứng tìm đến những loại ốc để ký sinh. Sau khi xâm nhập vào ốc, ấu trùng lông phát triển thành bào ấu rồi trở thành những ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi có một bộ phận nhọn ở phía đầu và có thể bơi trong nước để tìm đến ký sinh ở những loại cua và tôm nước ngọt là vật chủ trung gian thứ hai của sán lá phổi. Ở cua, tôm, ấu trùng sán lá phổi ký sinh dưới dạng nang trùng ở cơ ngực. Sau thời gian từ 45-54 ngày xâm nhập vào cua, tôm, nang trùng có thể có khả năng gây nhiễm bệnh cho con người. Nếu người ăn phải cua, tôm nướng, chưa được nấu chín, có nang trùng sán lá phổi, nang trùng sán lá phổi sẽ tới ruột non, chui qua ống tiêu hóa tới xoang bụng, ở lại xoang bụng khoảng 30 ngày và sau đó đi xuyên qua màng phổi từng đôi một, phát triển lớn lên thành sán trưởng thành ký sinh ở phổi.

Quá trình phát triển của sán lá phổi. (Ảnh moh.gov.vn, Sk & ĐS)

Khi mắc bệnh sán lá phổi thường có những triệu chứng gì?

Triệu chứng phát hiện đầu tiên của bệnh sán lá phổi là bệnh nhân ho có khạc nhổ đờm lẫn với máu. Sau đó cơn ho trở thành mạn tính và người bệnh thường ho nhiều vào buổi sáng sớm. Đờm khạc ra thường có màu rỉ sắt giống như viêm phổi, thỉnh thoảng bệnh nhân bị ho ra máu. Bệnh cảnh lâm sàng rất giống như bệnh lao phổi. Chụp phim phổi cũng thường thấy hình ảnh như những trường hợp bị lao hạch. Những bệnh nhân có sán trưởng thành ký sinh ở những phủ tạng khác thì triệu chứng lâm sàng diễn biến khá phức tạp, nếu sán ký sinh ở não thường gây nên những cơn động kinh, nếu sán ký sinh ở gan thường gây nên áp-xe gan.

Ấu trung sán lá phổi ở trong cua  (ảnh vietnamnet)

Xác định bệnh sán lá phổi thường căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng giống bệnh lao phổi nhưng xét nghiệm đờm không phát hiện được vi khuẩn lao. Bệnh nhân không bị gầy sút nhanh chóng và không có những cơn sốt xảy ra vào buổi chiều như bệnh lao phổi. Tuy vậy, bệnh sán lá phổi có thể kết hợp với bệnh lao phổi và trong những trường hợp này rất khó xác định bệnh dựa vào các trịệu chứng trên lâm sàng. Muốn chẩn đoán chính xác bệnh sán lá phổi thì cần phải dựa vào kết quả xét nghiệm. Nếu xét nghiệm đờm phát hiện được trứng sán lá phổi là có thể khẳng định một cách chắc chắn, trong đờm có thể thấy những tinh thể Charcot Leyden. Đối với trẻ em, đờm xuất ra không khạc ra ngoài mà trẻ thường nuốt đờm vào thực quản và ống tiêu hóa nên xét nghiệm phân có thể tìm thấy trứng sán lá phổi ở trong phân. Ngoài ra còn có thể dùng các biện pháp hỗ trợ khác để chẩn đoán xác định bệnh như chụp phim phổi, thử phản ứng miễn dịch...

Điều trị và phòng bệnh

Việc điều trị bệnh sán lá phổi bằng praziquantel phải được sự kiểm soát và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc vì thuốc chống chỉ định sử dụng cho một số đối tượng và có thể có những tác dụng không mong muốn. Sau điều trị khoảng 3-4 tuần, kết quả xét nghiệm đờm và phân âm tính thì xem như bệnh nhân đã khỏi bệnh. Cần phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày liên tiếp để đánh giá một cách chính xác tiêu chuẩn khỏi bệnh.

Phòng bệnh sán lá phổi cần điều trị tích cực người bị bệnh, quản lý chặt chẽ và xử lý tốt đờm, phân do người bệnh thải ra để ngăn chặn mầm bệnh lây lan cho cộng đồng. Tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động người dân tuyệt đối không ăn tôm, cua nước ngọt còn sống, nướng hoặc chưa được nấu chín.

Theo Sức Khỏe và Đời Sống
  • 3.564