Cạnh tranh khứu giác: hai lỗ mũi luân phiên xử lí hai mùi khác nhau

  •  
  • 791

Khi mũi đồng thời bắt gặp hai mùi khác nhau, não sẽ luân phiên xử lí chúng riêng qua từng bên lỗ mũi.

Phát hiện do các nhà nghiên cứu tại đại học Rice ở Houston là ví dụ đầu tiên về sự cạnh tranh trong hệ cơ quan khứu giác. Chi tiết được công bố trên tờ Current Biology trực tuyến ngày 20 tháng 8 vừa qua.

“Phát hiện của chúng tôi mở ra triển vọng mới trong công cuộc khám phá cơ chế hoạt động của hệ cơ quan khứu giác và hoạt động nhận thức khứu giác,” Denise Chen, giảng viên tâm thần học, đồng tác giả báo cáo nghiên cứu, phát biểu.

Để phục vụ cho nghiên cứu, 12 tình nguyện viên đã thử các mùi từ hai chiếc lọ chứa hai hương thơm khác nhau. Một chiếc lọ chứa cồn phenyl ethyl giống với mùi hoa hồng, chiếc còn lại chứa n-butanol có mùi như bút đánh dấu. Cả hai lọ đều có miệng vừa khít với kích thước mũi xoay của kính hiển vi, đảm bảo chắc chắn rằng tình nguyện viên có thể trải nghiệm đồng thời hai mùi – mỗi mùi qua một bên lỗ mũi.

Qua 20 vòng thử nghiệm, cả 12 tình nguyện viên đều cho biết họ cảm nhận luân phiên hai mùi - khi thì chủ yếu mùi hoa hồng, khi thì chủ yếu mùi bút đánh dấu dòng. Một vài người cảm nhận sự chuyển đổi mùi thường xuyên hơn và rõ ràng hơn, nhưng trong số tất cả các tình nguyện viên, không ai miêu tả được một kiểu mô hình cảm nhận mùi cụ thể.

Chen nói sự cạnh tranh giữa hai lỗ mũi cũng giống như sự cạnh tranh ở các cặp cơ quan giác quan khác. Khi đôi mắt đồng thời nhìn vào hai hình ảnh khác nhau, hai hình này sẽ được hai mắt quan sát luân phiên, mỗi mắt nhìn một hình.

Khi mũi đồng thời bắt gặp hai mùi khác nhau, não sẽ luân phiên xử lí chúng riêng qua từng bên lỗ mũi. (Ảnh: iStockphoto)

Trong phòng thí nghiệm, cùng lúc mỗi lỗ mũi nhận một mùi khác nhau, nhưng thực tế tình nguyện viên đang trải qua một “sự đánh lừa khứu giác”, bà nói. “Thay vì nhận biết một hỗn hợp liên tục cả hai mùi, họ lại chỉ nhận thấy một trong hai mùi, mùi này tiếp nối sau mùi kia, theo kiểu luân phiên, như thể hai bên lỗ mũi đang cạnh tranh với nhau. Mặc dù thực tế cả hai mùi đều hiện diện như nhau cùng một lúc, não bộ của chúng ta lại chỉ chú ý tới chủ yếu một mùi tại một thời điểm.”

“Sự cạnh tranh giữa hai bên mũi liên quan tới sự thích ứng của các nơron thần kinh ngoại biên và nơron vỏ não,” Chen nói. “Công trình của chúng tôi là điểm khởi đầu cho các nghiên cứu tiếp theo trong tương lai về hiện tượng này, từ đó chúng tôi có thể biết được nhiều hơn về các cơ chế nhận biết mùi của con người.”

Trong cạnh tranh giữa hai lỗ mũi, sự lấn át hay nhượng bộ của một mùi cụ thể chỉ tồn tại trong tâm trí của người ngửi, còn tính chất vật lý thực tế của tác nhân khứu giác không hề thay đổi, Chen nhấn mạnh. Điều này khiến con người ít khi phân tách được cảm nhận khứu giác với kích thích vật lý thực sự. Do đó, cạnh tranh giữa hai lỗ mũi có thể là cánh cửa duy nhất để tìm hiểu ý thức và nhận thức ở cả người khỏe mạnh và người mắc bệnh.

Khứu giác con người là một lĩnh vực nghiên cứu còn rất sơ khai. Chen cho rằng hiểu được các cơ chế con người xử lí thông tin khứu giác không chỉ quan trọng đối với khoa học căn bản, mà về dài hạn còn đóng góp vào việc đánh giá và chữa trị các rối loạn khứu giác ở các bệnh nhân và người cao tuổi.

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 791