Ngày 17/5, BS Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Phân khoa Ngoại 1 - BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết vừa áp dụng kỹ thuật cắt trĩ bằng máy đốt dùng điện trường cao tần (High Capacitance Haemorrhoids Therapy - HCPT).
Một ca phẫu thuật bằng phương pháp HCPT chỉ mất từ 15 - 20 phút. Ngoài ra nhiệt độ đốt hoàn toàn được kiểm soát bằng máy.
Điều trị bệnh trĩ bằng điện cao tần
Kỹ thuật HCPT không làm bỏng vùng lân cận, ít chảy máu, không phải nằm viện dài ngày và phục hồi nhanh. (Trong ảnh: Một ca phẫu thuật cắt trĩ) |
Kỹ thuật này là phương pháp điều trị "nhiệt nội sinh", nhiệt độ sinh ra do hiện tượng trao đổi các ion mang điện ngay trong tế bào để làm đông và thắt nút mạch máu. Trong khi với máy đốt thường, nhiệt độ từ bên ngoài đưa vào làm nóng và đốt mô, sẽ làm bệnh nhân rất đau sau khi hậu phẫu do bỏng rát. .
Nhiệt độ ngay điểm đốt khi dùng HCPT cũng đạt tới 280oC, tương đương như máy đốt thường. Tuy nhiên, nhiệt độ các vùng lân cận khi sử dụng điện cao tần thì chỉ có từ 5oC - 15oC so với từ 100oC - 90oC khi dùng dao đốt thường. Do đó kỹ thuật này không làm bỏng vùng lân cận, ít chảy máu, không phải nằm viện dài ngày và phục hồi nhanh.
Máy đốt thường cần có một tấm tiếp xúc kết hợp với dao mổ tạo thành một dòng điện một chiều nên dễ dẫn đến rối loạn nhịp tim. Vì vậy biện pháp HCPT rất an toàn đối với các bệnh nhân bị bệnh tim mạch, đặc biệt là tim có nhịp đập không đều hay bệnh nhân phải mang máy trợ tim.
Chi phí trọn gói của một ca phẫu thuật bằng kỹ thuật HCPT là 6 triệu đồng. Ngoài ra, phương pháp cắt này kết hợp với loại thuốc Xanh Methylene chích thẳng vào vết mổ, cắt được cơn đau trong 14 ngày.
HCPT thường được chỉ định để điều trị cho các loại trĩ như: trĩ hỗn hợp, trĩ ngoại, trĩ nội tắc mạch, trĩ kèm theo da thừa hậu môn, trĩ kèm nứt hậu môn, trĩ kèm rò hậu môn.
Hiện nay, ngoài BV Đại học Y Dược TP.HCM, HCPT cũng đang được áp dụng tại BV Y học Cổ truyền Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội.
Phân loại bệnh
Theo BS Nguyễn Văn Hậu, bệnh trĩ là do các thành mạch máu ở hậu môn bị yếu, và các hệ thống dây chằng bị giãn. Nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Càng lớn tuổi, càng dễ mắc bệnh trĩ.
Kết quả khảo sát của Hội Hậu môn và Trực tràng Việt Nam tại một số tỉnh miền Bắc, đặc biệt là tại Hà Nội, tới 55% số người đi khám về hậu môn bị bệnh trĩ. Riêng tại Phân khoa Ngoại 1 của BV ĐH Y Dược TP.HCM, những bệnh nhân mắc bệnh này chiếm tới 50%. Trong đó, cứ 100 người bị trĩ, 60 - 70% bệnh nhân là những người trên 40 tuổi, còn lại là từ 18 - 20 tuổi và có cả trẻ em.
Bệnh trĩ chia làm 3 loại: trĩ nội, trĩ ngoại, trị hỗn hợp. Trĩ nội được chia làm 4 cấp độ. Việc phân loại bệnh như thế này, theo BS Hậu là rất quan trọng trong việc chọn phươnng pháp và khi nào thì chữa bằng đông y khi nào thì bằng các phương pháp khác.
"Hiện nay, sai lầm rất lớn của bản thân người bệnh là không biết mình mắc phải loại trĩ nào và ở độ nào, do đó họ tự tìm cho mình các phương pháp điều trị. Thông thường, các phương pháp Đông y như bôi thuốc, thuốc xông, thuốc chống táo bón và các bài tập yoga chỉ có thể áp dụng cho trĩ nội độ 1 và 2", BS Hậu nhận xét.
Còn các loại khác như trĩ nội độ 3 và 4, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp, nếu áp dụng Đông y, thường chữa không hết và để lại các di chứng như hẹp hậu môn, chảy máu, nhiễm trùng.
Bệnh trĩ là bệnh thường gặp, không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh nhân trĩ thường có tâm lý ngại đi khám, hoặc sợ đau nên không đi chữa, do đó đôi khi dẫn đến bệnh nặng thậm chí bị biến chứng.
Khi đi ngoài ra máu, cần đi khám bệnh sớm để điều trị và phát hiện những bệnh nguy hiểm, đặc biệt là ung thư. Đây là triệu chứng nhìiều khi dễ bỏ sót vì tưởng ra máu là do trĩ. Đặc biệt, 50% phụ nữ có thai thường mắc bệnh trĩ; vì vậy, BS Nguyễn Văn Hậu khuyên các bà mẹ trước khi có thai cần đi khám cẩn thận, để tránh các biến chứng như tắc mạch hay nhồi máu trĩ.
Hương Cát