LiveScience, một nghiên cứu mới về ảo ảnh được công bố gần đây đã trở thành minh chứng rõ ràng nhất rằng con người sẽ luôn chìm trong đau khổ với những quyết định sai lầm.
Cụ thể, một nhóm nghiên cứu đến từ các trường đại học Harvard, Dartmouth và New York University đã cho một vài nhóm sinh viên tại Mỹ nhìn 1.000 các chấm hình tròn được trải dài từ "rất xanh" (very blue) đến "rất tím" (very purple) (bạn có thể theo dõi toàn bộ dải màu trong video dưới đây). Những người tham gia chỉ việc trả lời một câu hỏi: Chấm tròn trên màn hình có phải là màu xanh hay không?
Nghe có vẻ rất đơn giản, và ban đầu thì đúng là như vậy. Trong 200 lần thử đầu tiên, những người tham gia được nhìn số lượng chấm xanh và chấm tím bằng nhau, và đa số đều nhận ra được sự khác biệt một cách dễ dàng. Tuy nhiên, trong 800 lần còn lại, số chấm xanh được cho giảm dần cho đến khi người tham gia hầu như chỉ còn thấy các sắc thái của màu tím. Thế nhưng, câu trả lời của họ lại không phản ánh điều này.
"Khi số lượng chấm xanh giảm xuống, người tham gia thử nghiệm bắt đầu có xu hướng nhìn các chấm tím ra màu xanh", nhóm nghiên cứu viết. Thật vậy, trong 200 lần thử cuối cùng, các chấm mà những người tham gia trước đó đã xác định là màu tím giờ lại thành màu xanh đối với họ. Những người tham gia thậm chí còn tiếp tục nhầm những chấm màu tím thành màu xanh ngay cả khi họ đã được cảnh báo rằng số chấm xanh sẽ bị giảm đi, hay khi họ được đề nghị khoản tiền thưởng 10$ để lặp lại câu trả lời của mình giống như lúc bắt đầu thử nghiệm.
Thử nghiệm chấm xanh-chấm tím.
Vậy, tại sao nhận thức của họ lại có sự thay đổi đột ngột như vậy? Theo các nhà nghiên cứu, có thể là do bộ não con người không đưa ra quyết định dựa trên các quy tắc lạnh lùng, cứng ngắc, mà là những kích thích mà trước đó não bộ gặp phải. Khi sự cân bằng giữa số chấm thay đổi, những người tham gia đã mở rộng định nghĩa của họ về "màu xanh" thực sự trông như thế nào để phù hợp với những kỳ vọng được hình thành từ các lần thử trước đó của họ.
Giống như đại đa số các ảo ảnh khác, thử nghiệm chấm xanh-chấm tím này cho thấy não bộ của con người, dù mạnh mẽ là vậy, rất dễ bị đánh lừa. Đây không phải là phát hiện gì mới mẻ. Nhưng để mô tả những hệ quả thực sự của thiếu sót này ngoài đời thực, các nhà nghiên cứu đã đi sâu hơn và thực hiện thêm hai thử nghiệm nữa, nhưng thay thế lựa chọn "xanh hay tím" bằng thứ gì đó "nặng đô" hơn.
Gương mặt được tạo ra từ máy tính, được phân chia theo hai nhóm "mối đe dọa" (threatening) và "không phải mối đe dọa" (nonthreatening).
Trong thử nghiệm tiếp theo, các nhà nghiên cứu cho người tham gia xem 800 gương mặt được tạo ra từ máy tính, được phân chia theo hai nhóm "mối đe dọa" (threatening) và "không phải mối đe dọa" (nonthreatening). Và giống như thử nghiệm chấm tròn, khi số lần thử bước qua mốc 200, người tham gia bắt đầu có xu hướng gọi những bức ảnh chân dung "không phải mối đe dọa" là "mối đe dọa".
Những kết quả này cũng được lặp lại trong thử nghiệm cuối cùng, khi người tham gia được xem 240 đề xuất nghiên cứu giả. Chúng được xếp từ "có đạo đức" (ethical) (ví dụ như ‘"ạo một danh sách các thành phố mà họ muốn đi du lịch và viết về những điều họ muốn làm ở đó") cho đến "rất vô đạo đức" (really unethical) (ví dụ như:"liếm một mẩu phân người… và đo lại lượng nước súc miệng cần phải sử dụng").
Sau đó, người tham gia sẽ phải quyết định xem những đề xuất trên có nên được cho phép hay không. Khi số lượng đề xuất vô đạo đức giảm dần, những người tham gia một lần nữa thay đổi nhận thức của họ và bắt đầu đánh giá các đề xuất có đạo đức thành không có đạo đức.
"Các kết quả này có thể có những tác động nghiêm trọng", nhóm nghiên cứu viết.
Nếu não bộ của bạn liên tục điều chỉnh lại nhận thức dựa trên kinh nghiệm trước đó, làm thế nào bạn có thể chắc chắn rằng bạn đang nhìn mọi thứ đúng với bản chất của nó. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, liệu xã hội loài người có bao giờ thực sự giải quyết được những vấn đề của mình – tội phạm, đói nghèo, thành kiến,… - nếu chúng ta liên tục mở rộng định nghĩa của mình về những vấn đề đó để bao gồm những tội lỗi mới?
"Mặc dù xã hội hiện đại đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc giải quyết một loạt các vấn đề xã hội, từ nghèo đói, mù chữ đến bạo lực và tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong, đa số mọi người vẫn tin rằng thế giới đang ngày càng tồi tệ đi", nhóm nghiên cứu kết luận. Nói cách khác, một xã hội càng giải quyết được nhiều vấn đề, xã hội đó lại càng mở rộng ra định nghĩa "thế nào là một vấn đề" của mình và sinh ra những vấn đề mới. Có lẽ điều quan trọng không phải là cốc nước vơi một nửa hay đầy một nửa, mà là sự thật rằng chiếc cốc đang ngày càng to lên mà thôi.