Scold's Bridle: "Bóng ma" ám ảnh phụ nữ trong thời Trung Cổ

  •  

Trong lịch sử nhân loại, thời kỳ Trung Cổ thường gắn liền với những hình thức tra tấn và xử phạt đầy tàn bạo, đặc biệt là với phụ nữ. Một trong những công cụ tra tấn khét tiếng nhất là Scold's Bridle hay còn gọi là "dây cương của Scold", một thiết bị đặc biệt được thiết kế để bịt miệng phụ nữ.

Scold's Bridle là gì?

Scold's Bridle là một thiết bị làm từ sắt, với cấu trúc như một cái lồng bao quanh đầu, bao gồm một khung kim loại bao quanh khuôn mặt, gắn thêm một cái bịt miệng sắt nhọn để đè lên lưỡi của người đeo. Mục đích chính của thiết bị này là ngăn phụ nữ nói hoặc giao tiếp bằng lời nói.

Scold's Bridle không chỉ nhằm làm cho người đeo im lặng mà còn là phương tiện để làm nhục họ công khai. Phụ nữ đeo Scold's Bridle thường bị cưỡng ép diễu hành quanh thị trấn, trong khi người dân xunh quanh có thể thoải mái chế giễu, thậm chí ném đồ vào họ. Đây là cách các nhà cầm quyền thời đó duy trì trật tự và kỷ luật đạo đức, đồng thời là công cụ để kiểm soát và khuất phục tiếng nói của phụ nữ.

Không chỉ trừng phạt, Scold's Bridle còn là phương tiện để làm nhục công khai.
Không chỉ trừng phạt, Scold's Bridle còn là phương tiện để làm nhục công khai.

Lịch sử và nguồn gốc của Scold's Bridle

Nguồn gốc chính xác của Scold's Bridle cho tới nay vẫn chưa được khám phá rõ ràng, nhưng thiết bị này xuất hiện trong các tài liệu từ thế kỷ 14, khi một nhân vật trong tác phẩm của Geoffrey Chaucer nhắc đến ý tưởng "liệu cô ấy có bị bắt vít bằng dây cương không".

Tuy nhiên, các tài liệu chính thức về việc sử dụng Scold's Bridle chỉ xuất hiện từ thế kỷ 16, khi thiết bị này lần đầu tiên được sử dụng ở Scotland. Năm 1567, một đạo luật ở Edinburgh quy định rằng những người có hành vi xúc phạm hoặc được coi là "đạo đức kém" sẽ bị cưỡng ép đeo Scold's Bridle. Sau đó, thiết bị này lan rộng đến Anh và nhiều nơi khác ở châu Âu như Đức và trở thành phương tiện trừng phạt phụ nữ vì những hành vi mà nam giới thời đó cho là "bất trị" hoặc "vượt quá bổn phận của phụ nữ".

Người có hành vi xúc phạm hoặc được coi là "đạo đức kém" sẽ bị cưỡng ép đeo Scold's Bridle.
Người có hành vi xúc phạm hoặc được coi là "đạo đức kém" sẽ bị cưỡng ép đeo Scold's Bridle.

Những người phụ nữ như thế nào sẽ phải đeo Scold's Bridle?

Trong thời Trung Cổ, xã hội có định kiến rất nặng nề đối với phụ nữ, và chỉ cần một người phụ nữ bị xem là "lắm lời" hay "cãi lời" chồng thì có thể sẽ bị trừng phạt bằng Scold's Bridle. Thuật ngữ "scold" thời đó có nghĩa là một người phụ nữ hay càu nhàu, làm xáo trộn hòa bình của hàng xóm hoặc chống đối chồng và linh mục. Những người phụ nữ bị cho là "lắm lời" này còn bao gồm cả những ai buôn chuyện, chửi rủa hoặc phạm tội báng bổ - tức là chỉ trích hoặc bày tỏ thái độ coi thường thần thánh hay nhà thờ.

Các ghi chép lịch sử chỉ ra rằng Scold's Bridle không chỉ được dùng để "kiểm soát" phụ nữ thông thường mà còn để bịt miệng những phụ nữ có đạo đức "lỏng lẻo", tức là những ai bị cho là không tuân thủ các quy tắc đạo đức khắt khe của thời kỳ đó. Thậm chí, thiết bị này còn được dùng như một hình phạt cho những người phụ nữ hay rao giảng nơi công cộng, khi họ không ngừng kêu gọi sự thay đổi trong xã hội.

Một trường hợp điển hình là Dorothy Waugh, một phụ nữ truyền giáo Quaker bị ép đeo Scold's Bridle và phải chịu đựng sự kìm kẹp của thiết bị này trong nhiều giờ.


Chỉ cần một người phụ nữ bị xem là "lắm lời" hay "cãi lời" chồng thì có thể sẽ bị trừng phạt bằng Scold's Bridle.

Scold's Bridle và những hình phạt tàn nhẫn khác

Bên cạnh Scold's Bridle, nhiều hình thức xử phạt khác cũng được áp dụng nhằm làm nhục và kiểm soát tiếng nói của phụ nữ. Hai hình thức trừng phạt phổ biến nhất là cucking stool và ducking stool.

Cucking stool là một chiếc ghế có dây trói, thường được dùng để trói người phụ nữ bị buộc tội lắm mồm hoặc buôn chuyện. Người bị phạt có thể bị buộc ngồi trên ghế và được diễu hành quanh thị trấn hoặc thậm chí bị bỏ lại ở nơi công cộng để chịu đựng sự chế giễu của đám đông. Về sau, hình thức trừng phạt cucking stool biến thành ducking stool, một cách xử phạt tàn nhẫn hơn.

Người phụ nữ bị trói trên ghế và bị nhúng xuống nước lặp đi lặp lại, gây nguy hiểm đến tính mạng do sốc hoặc đuối nước. Ducking stool thường được thực hiện ở ao làng hay sông ngòi, khiến nạn nhân chịu đựng nỗi sợ hãi cực độ và cảm giác nhục nhã trước toàn thể cộng đồng.

Hình phạt Ducking stool.
Hình phạt Ducking stool.

Những thay đổi trong xã hội và sự chấm dứt của Scold's Bridle

Thế kỷ 19, cùng với sự phát triển của tư tưởng bình đẳng giới đã mang đến sự thay đổi lớn trong nhận thức của xã hội về việc trừng phạt phụ nữ. Tại Anh, vào năm 1821, một thẩm phán đã chính thức ra lệnh tiêu hủy Scold's Bridle và cho rằng "di tích man rợ" này không còn phù hợp với xã hội. Ông khẳng định rằng cách trừng phạt như vậy chỉ thể hiện sự tàn bạo và vô nhân đạo của thời đại trước.

Tới năm 1856, ghi nhận cuối cùng về việc sử dụng Scold's Bridle ở Anh đã khép lại. Những phương thức xử phạt như Scold's Bridle cũng theo đó mà chính thức trở thành quá khứ, chấm dứt một chương đen tối trong lịch sử xã hội phương Tây.

Tới năm 1856, ghi nhận cuối cùng về việc sử dụng Scold's Bridle ở Anh đã khép lại.
Tới năm 1856, ghi nhận cuối cùng về việc sử dụng Scold's Bridle ở Anh đã khép lại.

Tuy nhiên, câu chuyện về Scold's Bridle nhắc nhở chúng ta về những nỗ lực trấn áp tiếng nói và kìm hãm quyền lợi của phụ nữ trong lịch sử, thể hiện qua sự bạo lực và nhục nhã hóa công khai. Dù các hình thức tra tấn như vậy đã không còn, việc kiểm soát tiếng nói của phụ nữ vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Việc hạn chế tự do ngôn luận và phân biệt đối xử về giới vẫn là vấn đề lớn ở nhiều nơi, và lịch sử của Scold's Bridle là lời cảnh tỉnh để chúng ta phải thận trọng trong việc đảm bảo quyền tự do và sự bình đẳng cho tất cả mọi người, bất kể giới tính.

Ngày nay, quyền bình đẳng giới đã được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới, và những nỗ lực đấu tranh cho sự công bằng và tự do ngôn luận không ngừng tiếp tục. Tuy nhiên, câu chuyện về Scold's Bridle cho thấy sự áp bức của xã hội đối với phụ nữ không chỉ là vấn đề của quá khứ mà còn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền con người và tự do cá nhân.

Cập nhật: 25/11/2024 PNVN