Chất liệu làm khẩu trang vải tốt nhất ngăn virus nCoV

  •  
  • 307

Nghiên cứu cho thấy khẩu trang vải làm từ cotton kết hợp với lụa tự nhiên hoặc chiffon có thể ngăn chặn 80 - 99% hạt khí dung chứa virus.

Khí dung hay sol khí (aerosol) là những giọt bụi nước li ti hòa vào không khí. Một nghiên cứu hồi đầu tháng 2 đã cảnh báo con người có thể nhiễm nCoV nếu hít phải các hạt khí dung có chứa virus. Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (OCD) của Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra đường.

Các chuyên gia từ Đại học Đại học Chicago của Mỹ đã tiến hành thử nghiệm để tìm ra chất liệu có khả năng lọc các hạt khí dung tốt nhất. Nghiên cứu này sử dụng buồng trộn khí dung để tạo ra các hạt có kích cỡ từ 10 nanomet đến 6 micromet, sau đó dùng một chiếc quạt để thổi bay chúng qua nhiều mẫu vải khác nhau.

"Chúng tôi cố gắng giữ cho tốc độ luồng khí tương tự như tốc độ hô hấp khi chúng ta hít vào, và diện tích các miếng vải được mô phỏng gần bằng diện tích một chiếc khẩu trang", kỹ sư phân tử Supratik Guha từ Đại học Chicago, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.

Vải cotton và chiffon kết hợp hai hình thức lọc khác nhau để ngăn chặn các hạt khí dung.
Vải cotton và chiffon kết hợp hai hình thức lọc khác nhau để ngăn chặn các hạt khí dung. (Ảnh: UPI).

Một máy đếm hạt đã được sử dụng để xác định số hạt khí dung xuyên qua các lớp vải. Kết quả cho thấy khi kết hợp một lớp cotton với hai lớp vải poly-spandex chiffon (loại vải thường được sử dụng trong trang phục dạ hội), khẩu trang có thể lọc 80 - 99% các hạt khí dung tùy thuộc vào kích thước của chúng. Sự kết hợp giữa vải cotton với lụa tự nhiên hoặc vải flanen cũng cho kết quả tương tự.

"Theo số liệu thì hiệu quả của chúng sánh ngang với khẩu trang N95. Tuy nhiên, các loại vải này vẫn cần được thử nghiệm thêm ở môi trường khí ẩm", Guha trả lời UPI trong thư điện tử. "Sợi cotton có tính năng lọc vật lý tốt, trong khi chiffon có khả năng lọc tĩnh điện (cơ chế loại bỏ các hạt bám bằng lực hút tĩnh điện)".

Chi tiết nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí ACS Nano hôm 24/4. Trong giai đoạn tiếp theo, các nhà khoa học muốn xác định hiệu quả lọc khí dung của vải dệt khi bị ảnh hưởng bởi độ ẩm hoặc sau khi giặt, đồng thời xem xét liệu các thiết kế khác có thể đạt hiệu quả tốt hơn hay không.

Cập nhật: 28/04/2020 Theo VnExpress
  • 307