Các loại cá dầu như cá hồi dễ nhiễm một nhóm chất độc có tên là POP trong môi trường. Tình trạng này làm tăng nguy cơ bị tiểu đường type 2.
POP là tên gọi tắt của nhóm chất độc organochlorine, bao gồm các polychlorinated biphenyl (PCBs) và thuốc trừ sâu DDT. Chúng là sản phẩm phụ của quá trình xử lý công nông nghiệp và có mặt ở khắp nơi. Việc ăn các loại cá dầu, ví dụ như cá hồi, có thể gây ngộ độc POP.
Tiến sĩ Lars Hagmar và cộng sự tại Đại học Lund, Thuỵ Điển, đã phân tích mẫu máu của gần 200 ngư dân và vợ để định lượng CB-153 (chất bã của POP) và DDE (sản phẩm phụ của DDT). Kết quả cho thấy 6% số đàn ông và 5% số phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có nhiều hai hóa chất này.
Theo một số nghiên cứu trước đây, những chất độc như POP có thể làm giảm khả năng hấp thu glucose của tế bào, hoặc kích thích một loạt phản ứng phức tạp, gây rối loạn khả năng phân huỷ chất béo của cơ thể.
Tuy nhiên, nghiên cứu không hàm ý tẩy chay các loại cá dầu, vì Hagmar nhấn mạnh rằng những người tham gia nghiên cứu là trường hợp ngoại lệ. Họ tiếp xúc với các chất ô nhiễm ở nồng độ rất cao. Thêm vào đó, nơi họ kiếm sống - bờ biển Baltic - bị ô nhiễm POP nặng do ngành công nghiệp. Nước biển ở đó cũng nông và lạnh, khiến cho các chất ô nhiễm phải mất một thời gian dài để phân huỷ. Biển Baltic lại được đất liền bao quanh nên hoạt động lưu thông nước tương đối thấp, khiến cho chất ô nhiễm luẩn quẩn và ngày càng trở nên đậm đặc.
Mỹ Linh