Có phải chúng ta đã quá mệt mỏi với việc chạy theo các chuẩn mực xã hội?
“Chế độ yêu tinh” (Goblin mode) vừa được bình chọn là từ của năm trong từ điển Oxford. Đây là thuật ngữ mô tả hành vi buông thả, cẩu thả, lười biếng, tham lam và không quan tâm đến chuẩn mực, kỳ vọng xã hội. Thuật ngữ này lần đầu tiên xuất hiện trên Twitter vào năm 2009 nhưng đến năm 2022 mới thực sự phổ biến.
Theo Katherine Connor Martin, giám đốc sản phẩm của Oxford Languages, sự phổ biến của từ vựng này có liên quan đến đại dịch vừa qua. Mặc dù Covid-19 không còn là một nỗi lo sợ toàn cầu, nhưng chúng ta dường như vẫn đang vật lộn để thích nghi với trạng thái bình thường mới.
Nhà xuất bản Đại học Oxford thông báo: “Có vẻ thuật ngữ này đã tóm gọn tâm trạng của những cá nhân không muốn quay trở lại cuộc sống bình thường hoặc phản đối tiêu chuẩn ngày càng khó đạt được trên mạng xã hội”.
Thuật ngữ được cho là xuất hiện trên Reddit đầu tiên, rồi sau đó mới phổ biến ra Twitter, TikTok. Ban đầu, “chế độ yêu tinh” nói đến việc tận hưởng cuộc sống mà không cần đắp lên mình nhiều lớp mặt nạ hay tiêu chuẩn số đông. Với cách định nghĩa như hiện tại, có lẽ ai cũng đã từng có lúc trở thành một “yêu tinh” lười biếng đúng nghĩa: ở nhà, xem TV rất nhiều, không thiết thay quần áo thường xuyên, ăn uống tự do, mặc kệ chế độ ăn lành mạnh.
Điều này đi ngược lại với rất nhiều xu hướng hoàn thiện bản thân mà cộng đồng đặt ra khi đại dịch vẫn còn. Ví dụ, khi cách ly ở nhà, rất nhiều người đặt mục tiêu phải tập thể dục hằng ngày, chăm sóc da đẹp, uống đủ nước, thiền, học kỹ năng mới, hay thậm chí phải cư xử đúng mực hơn.
Từ vựng này phổ biến một phần vì nó chạm đến tâm lý của nhiều người. Trên Twitter, một người phụ nữ có tài khoản là Jennifer Dujour đã chia sẻ về một buổi tối “yêu tinh” của mình. Cô đã “xử lý” gọn gàng một túi đầy kẹo ngọt, sau đó nốc vài chai Red Bull. Năm ngoái, một người dùng Reddit thì kể một câu chuyện có phần rùng rợn hơn về thói quen “yêu tinh”. Tuần một lần, anh thích làm những thứ kỳ quặc trong nhà như vừa dọn đồ đạc ngổn ngang quanh phòng vừa cười một cách đáng sợ. Hôm sau, hàng xóm của anh kể họ nghe thấy tiếng động kỳ lạ, anh chỉ cười và chuyển chủ đề. Anh biết thói quen này kỳ cục nhưng nhờ vậy anh mới giảm bớt áp lực.
Nhà tâm lý học Mary Spillane, chuyên gia về sức khỏe tinh thần và cố vấn của ứng dụng sức khỏe Headspace, cho biết chế độ yêu tinh là một cơ chế đối phó (coping technique) hoàn toàn tự nhiên của con người, khi mọi người đã quá mệt với việc phải đẹp, phải thành công thì họ chỉ muốn bung xõa một chút. “Ở nhà một mình để xử lý suy nghĩ, cảm xúc của mình thực sự giúp giảm căng thẳng”, cô nhận định.
Nhà tâm lý học Nancy Sokarno, đồng ý với nhận định của Mary: “Vài năm qua mọi người đã kiệt quệ và mệt mỏi vì nhiều thứ, trong đó có nỗ lực cải thiện ngoại hình. Bớt chú trọng ngoại hình hoặc theo đuổi chuẩn mức số đông đem lại cảm giác giải phóng, tự do”. Cả hai nhà tâm lý học đều đồng tình “chế độ yêu tinh” là một cơ chế tự nhiên, và mỗi người sẽ có một cách để nạp năng lượng khác nhau. Dành thời gian ở nhà chỉ là một trong những phương pháp cần thiết.
Có lẽ ai cũng đã từng có lúc trở thành một “yêu tinh” lười biếng.
Ngoài đề cập đến lối sống xuề xòa, “chế độ yêu tinh” cũng ngầm nói về phong trào sống chống lại sự hối hả (anti-hustle culture). Đại dịch làm cuộc sống cá nhân của nhiều người hòa lẫn với công việc. Mọi người trở nên bận rộn quá mức vì khối lượng việc nhiều hơn gấp đôi, họ buộc phải sống hối hả để đáp ứng yêu cầu công việc. Ngoài ra, phương tiện truyền thông xã hội thổi phồng sự cạnh tranh khiến đường đua ngày một khốc liệt hơn. Đây chính là lúc mọi người cùng phản kháng lại sự sùng bái, tôn thờ công việc quá mức.
Bhavik Vasa, Founder và CEO của GetVantage, nhận định với tờ Entrepreneur: “Văn hóa bận rộn đang được thay thế bằng văn hóa sống chậm, nhiều người đề cao chuyển động chậm hơn như tiêu dùng chậm, nấu ăn chậm. Khái niệm ‘Vô vi’ nêu bật tầm quan trọng của việc không làm. Nhưng bạn cũng không nên nhầm lẫn việc không làm với sự lười biếng, bởi không làm là trôi theo dòng chảy chứ không phải chống lại dòng chảy. Từ lâu, con người đã muốn chạy thật nhanh để thay đổi, phá vỡ quy trình. Tôi nghĩ đây là lúc xuôi theo dòng chảy”.
Nicole Purvy, doanh nhân, podcaster, đồng thời là tác giả của cuốn sách The AntiHustle viết: "Văn hóa hối hả tập trung vào khối lượng công việc và sự hy sinh mà bạn phải bỏ ra để thành công. Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ và tìm ra những cách làm việc mới, bởi dù có làm gì thì bạn cũng sẽ không bao giờ cảm thấy đủ”. Với làn sóng từ chức đang diễn ra, quan điểm về công việc đang dần thay đổi. Những “yêu tinh” chống lại guồng quay công việc đang tìm cách sống mới để thoải mái và hạnh phúc hơn trong tương lai.
Đôi khi hãy cho phép bản thân được lười biếng và buông thả như những “yêu tinh”.
Trong môi trường văn phòng, để làm việc năng suất hơn, có thể bạn sẽ cần một danh sách những việc cần làm rồi đánh dấu mỗi khi xong việc. Tuy nhiên, Chris Bailey, tác giả các đầu sách về thói quen làm việc năng suất, viết trên tờ CNBC rằng khi đã về nhà nghỉ ngơi mà vẫn giữ tư duy phải “đánh dấu việc cần làm” liên tục như trên công ty thì bạn sẽ rơi vào tình trạng quá tải. Việc nhồi nhét sẽ tước đi thời gian bạn tận hưởng cuộc sống. Vì thế đôi khi hãy cho phép bản thân được lười biếng và buông thả như những “yêu tinh”.
Sự bất cần của xu hướng sống có thể nhận về nhiều phán xét của mọi người, Sokarno khuyên họ nên thay thế sự phán xét bằng một cái nhìn đồng cảm hơn: “Với tất cả những hỗn loạn trong xã hội hiện tại, việc đánh giá thấp cách sống của ai đó là không công bằng”.
Nhà ngôn ngữ học người Mỹ, Ben Zimmer nói với tờ Fortune: “So với những gì chúng ta đã trải qua, chế độ yêu tinh dường như chạm đến tâm lý của khá nhiều người ở một thời điểm nào đó. Thật nhẹ nhõm khi ta có thể thừa nhận rằng chúng ta không cần chạy theo những lý tưởng ngoài kia, hay phải chưng diện cuộc sống thật hào nhoáng trên mạng xã hội. Mọi người đang học cách trân trọng mọi mặt của mình. Điều này thể hiện qua việc ‘chế độ yêu tinh’ được bầu chọn là từ của năm”.